Giới chuyên gia: Mỹ rút khỏi hiệp ước INF - Nga đòi lại Alaska

Một nhà sử học nhận định rằng việc Mỹ không tôn trọng và muốn rời Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sẽ khiến Nga có quyền để rút khỏi thỏa thuận năm 1867 trao Alaska cho Mỹ và lấy lại khu vực này.

Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton nói rằng INF đã lỗi thời bởi nhiều quốc gia khác được tự do sản xuất tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm trung trong khi Mỹ lại bị “bó buộc”.

Chú thích ảnh
Hiện Alaska là một tiểu bang của Mỹ. Ảnh: Sputnik

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28/10 tuyên bố hiệp ước INF vốn có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh quốc gia Nga đang có nguy cơ trở thành quá khứ.

Trước tình hình này, nhà sử học người Nga Nikolay Starikov đánh giá Moskva nên có phản ứng là tuyên bố khả năng rút khỏi thỏa thuận trao vùng Alaska cho Mỹ. Nhà sử học Starikov cho biết thỏa thuận năm 1867 trao Alaska trở thành một vùng lãnh thổ Mỹ để đổi lại 7,2 triệu USD thực chất là một sự nhượng quyền, không phải thỏa thuận mua bán.

Ông Starikov khẳng định Điện Kremlin nên lý giải cho động thái rút khỏi thỏa thuận từ cách đây 1,5 thế kỷ bằng lý lẽ tương tự Mỹ đã áp dụng với INF.

Theo ông Starikov, Moskva có thể tuyên bố rằng thỏa thuận trao Alaska cho Mỹ “đã lỗi thời bởi được ký ở thời điểm địa chính trị khác”. Ngoài ra, Mỹ chưa hoàn thành mọi giao ước. Trong khi đó, Nga đã trả 7,2 triệu USD cho Mỹ do vậy nếu rút khỏi thỏa thuận năm 1867 thì Alaska cần được trao trả.

Bang Alaska thuộc Mỹ có diện tích 1.717.856 km vuông với dân số khoảng 740.000 người. Alaska nằm tách biệt với lục địa Mỹ, bị chia cắt bởi Canada và có biên giới biển với Nga.

Thế kỷ 19, Alaska của Nga là một trong những trung tâm thương mại quốc tế. Tại thủ phủ Novoarkhangelsk (ngày nay là Sitka), các nhà buôn mua bán nhiều hàng hóa như vải, trà từ Trung Quốc, thậm chí buôn cả băng tuyết tới miền nam Mỹ, vì thời đó chưa có tủ lạnh. Các nhà máy tàu thuyền được đóng tấp nập, các mỏ khai khoáng cũng bận rộn. Người ta đã biết đến một số lượng lớn các mỏ vàng trong vùng và việc từ bỏ mảnh đất giàu tài nguyên này thực sự là điên rồ.

Các lái buôn Nga tìm đến Alaska để săn tìm ngà moóc (ngày đó đắt ngang với ngà voi) và da rái cá biển – thứ hàng hóa rất giá trị được thổ dân Alaska cung cấp. Hoạt động thương mại được xúc tiến bởi Công ty Nga-Mỹ (RAC), vốn kiểm soát toàn bộ các mỏ khai khoáng ở Alaska và được hưởng nhiều ưu đãi độc quyền từ chính quyền Hoàng gia Nga.

Chú thích ảnh

Người nắm quyền hành chính ở Alaska là lái buôn tài năng Alexander Baranov. Ông cho xây dựng các trường học, nhà máy, dạy người bản địa trồng khoai tây và rubataga, xây các xưởng tàu, pháo đài cũng như mở rộng buôn bán rái cá biển.

Khi cuộc chiến tranh Crimea nổ ra, các nước Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt chống lại Nga. Moskva không thể tiếp tục trợ cấp hay bảo vệ Alaska, khiến những tuyến đường biển qua đây dần bị tàu của các đồng minh kiểm soát. Ngay cả ngành khai thác vàng danh tiếng của Alaska cũng xuống dốc và xuất hiện mối lo ngại quân Anh có thể phong tỏa Alaska buộc người Nga phải tay trắng rời nơi này.

Ngày 30/3/1867, tại Washington D.C, Nga ký thỏa thuận trao cho Mỹ 1,5 triệu hecta đất tại Alaska để đổi lấy 7,2 triệu USD, tức là chỉ 2 xu/acre (tức 4,74 USD/km2).  

Hà Linh/ Báo Tin tức
Lóng ngóng ném lựu đạn, học viên không quân Trung Quốc suýt mất mạng
Lóng ngóng ném lựu đạn, học viên không quân Trung Quốc suýt mất mạng

Một học viên không quân ở Trung Quốc đã suýt tự làm nổ tung thân mình sau giây phút lóng ngóng ném lựu đạn trúng vào bức tường trước mặt trong buổi huấn luyện. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN