Hàng chục nghìn bác sĩ trẻ tại Anh dự định đình công 4 ngày (từ ngày 11/4) để yêu cầu tăng lương phù hợp với tình hình lạm phát hiện nay. Hoạt động đình công này sẽ đồng nghĩa Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) phải tạm hoãn nhiều lịch phẫu thuật cũng như các lịch khám cấp bách khác.
Hiện tại ở Anh có 75.000 bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn, chiếm một phần lớn lực lượng y tế của nước này. Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) đại diện cho các bác sĩ đề nghị mức tăng lương 35%, cho rằng các thành viên của hiệp hội này đã bị cắt giảm 26% lương thực tế trong hơn 15 năm qua. Theo BMA, các cuộc đình công này có thể bị hủy bỏ khi Bộ trưởng Y tế Barclay đưa ra một lời đề nghị đáng tin cậy.
Trong khi đó, Bộ trưởng Barclay cho rằng các yêu cầu "phi thực tế" về mức tăng lương 35% đã dẫn đến đổ vỡ trong các cuộc đàm phán giữa chính phủ và BMA. Ông nêu rõ: “Mặc dù tôi ghi nhận sự cần cù và cống hiến của họ, nhưng yêu cầu này là không phù hợp nếu so sánh với mặt bằng chung về mức lương trong các lĩnh vực khác nhau của khu vực công, vào thời điểm đất nước đang chịu áp lực đáng kể về kinh tế”.
Trong khi đó, Giám đốc NHS Stephen Powis cho biết : "Chúng tôi rất lo ngại về tác động nghiêm trọng của cuộc đình công đối với sự an toàn của bệnh nhân và các dịch vụ y tế trên toàn quốc, đặc biệt là sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Tất nhiên các dịch vụ cấp cứu, khẩn cấp và quan trọng sẽ được ưu tiên, nhưng sẽ có rất nhiều bệnh nhân bị hoãn lịch khám chữa bệnh".
Anh đối mặt với làn sóng đình công kéo dài từ năm ngoái chủ yếu do khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người lao động gặp khó khăn. Hiện tỷ lệ lạm phát của Anh đã vượt mức 10%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi đầu năm dự báo Anh sẽ là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tăng trưởng âm trong năm nay.