Đáng chú ý, các nhân viên cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc bệnh nhân ung thư, dự kiến sẽ lần đầu tiên tham gia đình công với lý do Chính phủ Anh từ chối đàm phán về mức lương và nhân sự.
Theo kế hoạch, cuộc đình công này sẽ kéo dài liên tục trong 48 giờ, cho thấy sự leo thang so với các cuộc đình công trước chỉ diễn ra trong 12 giờ vào ban ngày. Tổng Thư ký RCN Pat Cullen khẳng định các cuộc đình công này không chỉ diễn ra trong thời gian lâu hơn, với nhiều người tham gia hơn mà còn gây ảnh hưởng tới tất cả cơ sở của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS).
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Steve Barclay cảnh báo việc không đảm bảo cung cấp các dịch vụ quan trọng như chăm sóc bệnh nhân ung thư trong thời gian diễn ra đình công sẽ gây rủi ro đối với sự an toàn của người bệnh.
Trước đó, ngày 6/2, y tá và nhân viên cứu thương Anh lần đầu tiên tham gia cuộc đình công lớn nhất từ trước đến nay tại NHS. Nhân viên y tế cho rằng mức lương hiện nay không theo kịp tốc độ tăng lạm phát trong thập niên qua và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến họ chật vật trong thanh toán các hóa đơn.
Trong khi đó, Thủ tướng Rishi Sunak kêu gọi việc tăng lương phải “hợp lý” và “có thể chấp nhận được”, đồng thời cảnh báo rằng việc tăng lương cao sẽ hủy hoại nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Các cuộc đình công trên là một phần trong làn sóng đình công có sự tham gia của người lao động trong nhiều lĩnh vực từ luật sư tới công nhân cảng tiến hành trong năm qua tại Anh.
Cùng ngày, nhân viên Bưu chính Hoàng gia Anh (Royal Mail) đã quyết định tiếp tục chiến dịch đình công của họ. Các thành viên của công đoàn đường sắt, hàng hải và giao thông vận tải (RMT) cũng tuyên bố tiếp tục đình công vào các ngày 16,18, 20/3 và ngày 1/4, sau một loạt các cuộc đình công trong mùa Đông khiến mạng lưới đường sắt đình trệ.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 440.000 người trên khắp nước này đã biểu tình trong ngày 16/2 nhằm chống lại kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ. Đây là cuộc tổng đình công lần thứ 5 nhằm phản đối việc cải cách lương hưu. Tuy nhiên, so với 4 lần trước, tổ chức từ ngày 19/1, cuộc đình công lần này có ít người tham gia nhất.
Theo tổ chức công đoàn CGT - lớn nhất ở Pháp, khoảng 1,3 triệu người đã tham gia cuộc đình công trong ngày 16/2. CGT tuyên bố có 300.000 người đã tuần hành ở Paris, mặc dù theo thống kê của chính thức con số này chỉ là 37.000 người. Nhiều khu vực công và tư ở Pháp cũng đình công, song số người tham gia giảm đáng kể. Chỉ 14% số nhân viên Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) đình công và chỉ 20% số chuyến tàu cao tốc bị hủy. Số người tham gia đình công trong dịch vụ công nhà nước cũng giảm xuống 4,9% trong tổng số khoảng 2,5 triệu người. Theo Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp, chỉ 7,67% số giáo viên tham gia đình công.
Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã trình bày chi tiết kế hoạch cải cách lương hưu, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu thêm 3 tháng mỗi năm, từ 62 lên 64 tuổi vào năm 2030 và cũng như đưa ra đảm bảo mức lương hưu tối thiểu. Bắt đầu từ năm 2027, kế hoạch này cũng yêu cầu người lao động phải làm việc ít nhất 43 năm mới có thể hưởng mức lương hưu tối đa.