Hàng triệu người đã buộc phải thay đổi kế hoạch di chuyển hoặc làm việc tại nhà, trong bối cảnh phần lớn các công ty vận tải đường sắt thông báo ngừng cung cấp dịch vụ. Các ga đường sắt tại trung tâm thủ đô London như Euston, cũng như nhiều ga đường sắt trung tâm ở khu vực khác hầu như không có bóng người. Sau cuộc đình công với quy mô chưa từng có hôm 1/2, các thành viên của nghiệp đoàn ASLEF và Công đoàn Đường sắt, Hàng hải và Giao thông vận tải (RMT) đã tiến hành cuộc đình công thứ 2 để yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, trong bối cảnh lạm phát leo thang dẫn đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Cuộc đình công hôm 1/2 được coi là lớn nhất trong hơn một thập kỷ, khi khoảng 500.000 người lao động, trong đó có cả giáo viên và lực lượng biên phòng, đã tham gia. Hàng chục nghìn y tá cũng lên kế hoạch đình công vào ngày 6/2, sau cuộc đình công trước đó vào tháng 12/2022 ảnh hưởng đến ngành y tế.
Đại diện của nghiệp đoàn ASLEF Simon Weller nêu rõ tranh cãi về yêu cầu tăng lương đã kéo dài trong nhiều tháng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đạt được tiến triển, trong khi các đề xuất về lương cũng chưa được thỏa đáng.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ không thể đáp ứng yêu cầu tăng lương ở mức như các nghiệp đoàn yêu cầu, đồng thời khẳng định cam kết giảm một nửa tỷ lệ lạm phát trong năm nay.
Kể từ mùa Hè năm 2022, Vương quốc Anh đã đối mặt với khủng hoảng đình công nghiêm trọng.
Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát gần 11%, mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, nước Anh đang chứng kiến một làn sóng đình công trên diện rộng - từ nhân viên ngành y tế, ngành vận tải cho tới người lao động tại các kho hàng của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon và nhân viên công ty bưu chính Royal Mail. Họ yêu cầu tăng lương phù hợp với đà tăng của lạm phát để có thể trang trải các hóa đơn thực phẩm và năng lượng đang tăng vọt ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ.