Phát biểu với báo giới ngày 11/1, Tổng thống Biden bày tỏ tự tin rằng các quyết sách của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch bệnh "đang đi đúng hướng".
Trong khi đó, phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện, những người đứng đầu Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), Viện Y tế quốc gia (NIH) và Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài cho thấy công tác xét nghiệm cần được tiếp cận dễ dàng hơn cũng như cần có các liệu pháp tốt hơn và một loại vaccine có hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn một loạt biến thể.
Quyền ủy viên FDA Janet Woodcock thừa nhận thách thức của các cơ quan trong việc phòng, chống đại dịch sau hai năm, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Omicron đang hoành hành tại Mỹ, đồng thời cho rằng cần tập trung vào làn sóng lây nhiễm hiện nay. Bà nhấn mạnh các biện pháp mà chính phủ đã và đang áp dụng không phản ánh những gì đang diễn ra hiện nay. Theo bà, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ngày một gia tăng, việc cần làm hiện nay là đảm bảo các bệnh viện vẫn có thể hoạt động, các phương tiện giao thông, dịch vụ thiết yếu khác sẽ không bị đình trệ. Sau khi tình trạng này được giải quyết, mới là lúc đánh giá lại cách thức tiếp cận và đối phó với đại dịch. Trong khi đó, bà Dawn O'Connell, trợ lý của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết nhà chức trách đang nỗ lực phân phối 500 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà theo yêu cầu của Tổng thống Biden.
Theo thống kê của hãng tin Reuters, ngày 10/1, Mỹ ghi nhận 1,35 triệu ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trên thế giới kể từ trước đến nay. Omicron được cho là "thủ phạm" gây ra 98,3% tổng số ca nhiễm mới kể từ ngày 8/1 vừa qua. Mô hình dự báo của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington cho thấy con số này trên thực tế có thể còn cao hơn do nhiều ca nhiễm không được phát hiện vì nhiều người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc không xét nghiệm. Vì vậy, mô hình của IHME cho rằng Mỹ có thể đã lên tới mức đỉnh hơn 6 triệu ca mắc mới/ngày và số ca mắc mới có thể giảm vào cuối tháng này. Tuy nhiên, sẽ khó có thể giải quyết những vấn đề mà hệ thống y tế, trường học và các công ty gặp phải trong "một sớm, một chiều" ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm giảm.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul cũng cho rằng số ca mắc mới tại Mỹ có thể giảm sau khi đạt đỉnh. Tại Chicago, số ca mắc mới trung bình trong tuần trước đã giảm 8% so với tuần trước đó.