Giao tranh tiếp diễn giữa quân đội Mali và phiến quân ở thị trấn Kidal

Ngày 12/11, giao tranh giữa quân đội Mali với các nhóm ly khai và phiến quân Tuareg ở miền Bắc nước này vẫn tiếp diễn, trong đó, cả hai bên đều tuyên bố giành được ưu thế.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mali tới quảng trường Độc lập ở Bamako. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Kể từ khi nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2020, chính quyền quân sự Mali đã ưu tiên tái lập chủ quyền ở tất cả các khu vực trên toàn quốc và thị trấn chiến lược Kidal có thể trở thành chiến trường then chốt.

Trên mạng xã hội, quân đội Mali khẳng định đã đạt được “bước tiến rất quan trọng” nhờ vào lực lượng không quân và bộ binh. Trong khi đó, lực lượng Cơ cấu Chiến lược Thường trực (CSP) - liên minh gồm các nhóm vũ trang có thành phần chủ yếu là người Tuareg - tuyên bố đã bao vây quân đội Mali và nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga trên một cao nguyên cách Kidal khoảng 25 km.

Các nguồn tin quân sự, chính trị và phiến quân đều đề cập tới những cuộc đụng độ. Tuy vậy, thông tin chi tiết như số người thương vong hay chiến thuật liên quan đều không thể xác nhận được một cách độc lập ở khu vực xa xôi này.

Một quan chức địa phương giấu tên cho hay “giao tranh vẫn tiếp diễn gần Kidal” và người dân địa phương có thể “nghe thấy âm thanh của những quả rocket”. Trong khi đó, một quan chức khác tiết lộ máy bay của  quân đội Mali đã được nhìn thấy bay về hướng Kidal trong ngày 12/11.

Giao tranh bắt đầu nổ ra từ ngày 11/11 khi quân đội Mali tiến gần đến thị trấn Kidal, sau tuyên bố hôm 9/11 rằng lực lượng này sẽ bắt đầu triển khai “các hoạt động chiến lược” nhằm mục đích “đập tan tất cả các mối đe dọa khủng bố ở khu vực Kidal”. Quân đội Mali nhấn mạnh các hoạt động quân sự “sẽ tiếp tục cho đến khi an ninh toàn diện được khôi phục trong và xung quanh thị trấn Kidal”.

Lực lượng phiến quân ở Kidal đã cắt liên lạc điện thoại từ ngày 10/11 để đề phòng chiến dịch tấn công của quân đội Mali sau nhiều ngày không kích.

Khoảng 25.000 người hiện sinh sống ở khu vực sa mạc Kidal - địa điểm có vị trí then chốt trên tuyến đường đi tới Algeria và là điểm nóng lịch sử của những cuộc nổi dậy. Xung đột nổ ra khi lực lượng nổi dậy người Tuareg tái vũ trang hồi tháng 8/2023. Trước đó, người Tuareg đã phát động cuộc nổi dậy vào năm 2012, trước khi chấp thuận ngừng bắn hồi năm 2014 và ký kết thỏa thuận hòa bình vào năm 2015.

Cuộc nổi dậy năm 2012 trùng hợp với những hoạt động nổi loạn của các nhóm Hồi giáo cực đoan, đẩy Mali vào cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh và nhân đạo. Sau đó, tình trạng này tiếp tục lan sang 2 nước láng giềng Burkina Faso và Niger.

Quân đội Mali lên nắm quyền lãnh đạo đất nước bằng vũ lực hồi năm 2020. Tháng 6 năm nay, chính quyền quân sự Mali đã yêu cầu Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (MINUSMA) rời khỏi nước này sau nhiều tháng quan hệ giữa hai bên xấu đi.

Việc MINUSMA rời khỏi các căn cứ mà lực lượng này đóng quân đã làm trầm trọng thêm tình trạng tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ giữa các nhóm vũ trang ở phía Bắc Mali, khi lực lượng ly khai nối lại các hoạt động động thù địch chống chính phủ ở miền Trung Mali, trong khi nhóm phiến quân “Ủng hộ Đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo” (GSIM) có liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda gia tăng những hoạt động tấn công các vị trí quân sự.

Trung Kiên (TTXVN)
Giao tranh leo thang tại miền Bắc Mali
Giao tranh leo thang tại miền Bắc Mali

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, quân đội Mali ngày 11/11 đã tiến gần hơn đến thị trấn Kidal, đụng độ với các nhóm nổi dậy và ly khai người Tuareg. Động thái này báo hiệu khởi đầu cuộc giao tranh nhằm kiểm soát ngã tư chiến lược quan trọng ở miền Bắc Mali.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN