Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thờ ơ và dường như đã sẵn sàng cho các kịch bản khác nhau, vốn đã phần nào được phản ánh vào các thị trường trong thời gian qua. Họ cho rằng hạn chót 9/7 cho đàm phán thuế quan, hay thậm chí cả thời điểm 1/8 chính thức áp thuế đối ứng có thể sẽ được thay đổi.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Bayonne, New Jersey, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong tuyên bố gần đây, Tổng thống Trump cho biết sẽ gửi loạt thư đầu tiên cho khoảng 12 quốc gia vào ngày 7/7 để thông báo về mức thuế mà các nước này phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nếu như hai bên chưa có thỏa thuận. Trước đó, ông Trump cũng nói những nước chưa đạt thỏa thuận sẽ chịu thuế đối ứng từ ngày 1/8, mà không giải thích gì thêm. Nhiều người đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 9/7, khi thời gian tạm hoãn thuế quan hết hiệu lực, đến ngày 1/8.
Trong khi đó, theo lời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 6/7, Washington đang tiến gần thỏa thuận thương mại với một số quốc gia vào trước ngày 9/7 và sẽ thông báo về các thỏa thuận này trong những ngày tới. Ngoài ra, ông Bessent cũng cho biết Mỹ sẽ gửi thư thông báo cho khoảng 100 đối tác thương mại nhỏ, vốn không có nhiều giao thương với Mỹ, để thông báo về việc áp thuế đối ứng như mức Tổng thống Trump công bố hôm 2/4.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố dồn dập của chính giới Mỹ và thời hạn còn lại không còn nhiều, các nhà đầu tư theo dõi mốc thời gian này suốt nhiều tháng qua vẫn cho rằng sẽ có thêm thông tin chi tiết trong những ngày tới, vì chính quyền Mỹ không thể hoàn tất thỏa thuận với toàn bộ các đối tác thương mại vào trước ngày 9/7.
Ông Jeff Blazek, đồng Giám đốc đầu tư tại Neuberger Berman ở New York (Mỹ), nhận định thị trường đang tỏ ra khá bình tĩnh vì tin rằng thời hạn chót có thể được lùi lại cũng như sẽ không có xáo trộn lớn nào xảy ra, trừ khi phải có bất ngờ rất lớn. Cũng theo ông Blazek, thị trường hiện đang đánh giá kịch bản tồi tệ nhất đã được loại trừ.
Cùng quan điểm, ông Rong Ren Goh - Giám đốc danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Eastspring Investments (Singapore) - cho rằng nếu thông báo ngày 2/4 tạo ra "cơn địa chấn" toàn cầu thì những thư thông báo sắp tới của Chính quyền Tổng thống Trump chỉ giống như "dư chấn”. Những thông báo đó và các tuyên bố mới của Mỹ sẽ không gây tác động mạnh đến thị trường, ngay cả khi thuế đối ứng cao hơn mức thuế cơ bản 10% đang được áp dụng.
Nhìn chung, giới đầu tư cho rằng cả mức thuế đối ứng lẫn thời điểm áp thuế đối ứng đều có thể liên tục thay đổi. Trong thông báo hôm 3/7, Tổng thống Trump cho biết mức thuế đối ứng mới cho những đối tác không có thỏa thuận sẽ dao động từ khung 10-20% đến 60-70%, cao hơn mức 10-50% được ông công bố hôm 2/4.
Một bằng chứng của việc thị trường đã quen với trạng thái bình thường mới là việc các thị trường chứng khoán thế giới liên tục lập đỉnh cao mới và chứng khoán Mỹ thậm chí đã tăng 11% kể từ ngày 2/4, sau khi rơi mạnh trong những ngày đầu. Trên thực tế, trong những ngày qua, các nhà đầu tư tài chính ở Mỹ quan tâm nhiều hơn đến gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được bàn bạc và thông qua tại Quốc hội, trước khi được Tổng thống Trump ký thành luật hôm 3/7. Dù vẫn có một số quan ngại như gói chi tiêu sẽ khiến nợ liên bang tăng thêm hơn 3.000 tỷ USD, nâng tổng nợ lên trên 39.200 tỷ USD, nhưng chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào cuối tuần trước. Chỉ số STOXX 600 của châu Âu cũng tăng 9% trong 3 tháng qua.
Hiện chỉ có thị trường trái phiếu Mỹ và đồng USD đang chịu ảnh hưởng từ lạm phát do thuế quan và những diễn biến gần đây ở Trung Quốc khiến giá dầu biến động mạnh. Những điều nay đang tác động đến triển vọng điều chỉnh chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Các hợp đồng lãi suất tương lai tại Mỹ cho thấy giới đầu tư không kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này mà thay vào đó sẽ có 2 đợt giảm 0,25 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm.
Theo đánh giá của ông John Pantekidis, Giám đốc đầu tư tại TwinFocus (Boston), thị trường đang tính đến khả năng thuế quan sẽ trở lại mức 35-40% hoặc cao hơn, trong khi mức thuế trung bình sẽ vào khoảng 10%. Ông Pantekidis bày tỏ lạc quan thận trọng về triển vọng chứng khoán Mỹ trong năm nay và cho rằng cần đặc biệt theo dõi sát biến động lãi suất.
Liên quan đến việc đàm phán thuế quan với Mỹ, ông Wi Sung Lac - Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung - đã lên đường tới Washington ngày 6/7 để thảo luận về các vấn đề thương mại và quốc phòng, trong đó có việc gia hạn tạm hoãn áp thuế để có thời gian đàm phán với phía Mỹ. Dự kiến, ông Wi Sung Lac sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Theo đánh giá của quan chức này, các cuộc tham vấn giữa hai bên đã bước vào giai đoạn quan trọng nên cần tăng cường trao đổi cụ thể.
Trước đó, Tổng thống Trump từng nói việc chia sẻ chi phí quốc phòng sẽ là một phần trong quá trình đàm phán tổng thể với Hàn Quốc, dù Seoul luôn khẳng định các vấn đề an ninh cần tách biệt với đàm phán thương mại.
Do những biến động chính trị tại Hàn Quốc trong thời gian qua nên tiến trình đàm phán thuế quan giữa hai nước chưa được đẩy mạnh. Hiện chưa rõ Mỹ có đồng ý gia hạn thời gian đàm phán với Hàn Quốc, một đồng minh thân cận ở Đông Á, tới sau ngày 9/7 hay không.