* Chính phủ Xyri từ chức
Ngày 29/3, giao tranh tại Cốt Đivoa đã lan rộng trên phạm vi cả nước sau khi các nhóm vũ trang thuộc Lực lượng Cộng hòa ủng hộ ông Alassane Ouattara, nhân vật được quốc tế công nhận đắc cử Tổng thống Cốt Đivoa, đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm lật đổ Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo. Một máy bay trực thăng của phái đoàn Liên hợp quốc (LHQ) tại Cốt Đivoa cũng trở thành mục tiêu của lực lượng ủng hộ ông Outtara.
Lực lượng ủng hộ ông Outtara ở thành phố Blolequin, miền tây Cốt Đivoa. |
Chiếc máy bay này bị bắn trong khi thực hiện chuyến bay thị sát tình hình ở thành phố Duekoue. Phái đoàn Liên hợp quốc (LHQ) tại Cốt Đivoa đã lên án hành động này, tuyên bố đây có thể bị coi là tội ác chiến tranh và ngay lập tức hối thúc các nhà chức trách tiến hành điều tra thủ phạm.
Lực lượng ủng hộ ông Outtara đã mở thêm hai mặt trận mới ở miền đông và miền tây Cốt Đivoa. Chiến sự diễn ra ác liệt với các loại vũ khí hạng nặng tại thành phố miền tây Duekoue, cửa ngõ chiến lược dẫn tới hầu hết các khu vực dưới quyền kiểm soát của ông Gbagbo, gồm thủ đô chính trị Yamoussoukro và cảng xuất khẩu cacao San Pedro. Tại miền đông, sau các cuộc giao tranh ác liệt, Lực lượng Cộng hòa tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát thành phố quan trọng Bondoukau giáp biên giới với Gana.
Đây là thành phố thứ sáu mà lực lượng ủng hộ ông Outtara giành được. Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự cho biết lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo vẫn nắm giữ một số vị trí quan trọng trong thành phố này.
Trong khi đó, Lực lượng Cộng hòa từ các căn cứ ở miền nam cũng đã chiếm giữ được thành phố lớn thứ ba Daloa ở trung tây của Cốt Đivoa - trung tâm canh tác cacao của đất nước xuất khẩu cacao lớn nhất thế giới.
Các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tình hình bất ổn tại Cốt Đivoa đã không đạt được kết quả khả quan nào với diễn biến mới nhất là ông Outtara đã bác bỏ lựa chọn cựu ngoại trưởng Cápve Josse Brito làm trung gian hòa giải. Cộng đồng quốc tế lo ngại sẽ xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện tại đây.
Trong khi đó, chiến sự ác liệt đã buộc nhiều người dân Cốt Đivoa phải sơ tán. Hơn 1 triệu người đã phải chạy khỏi thủ đô kinh tế Abigiăng để tránh chiến sự; khoảng 100.000 người khác đã chạy sang các nước láng giềng như Libêria, Gana, Mali... Số người tị nạn có khả năng tiếp tục tăng mạnh nếu tình hình xấu đi. Theo số liệu của LHQ, đã có ít nhất 460 người Cốt Đivoa thiệt mạng kể từ khi khủng hoảng bùng phát tháng 12/2010.
* Ngày 29/3, đài truyền hình quốc gia Xyri đưa tin chính phủ của Thủ tướng Mohammed Naji Otri đã từ chức và được Tổng thống Bashar al-Assad chấp thuận. Ông Otri cũng đã được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời trong khi chờ thành lập chính phủ mới. Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới sẽ là tiến hành một loạt cải cách, gồm chấm dứt đạo luật tình trạng khẩn cấp áp dụng từ năm 1963, mở rộng tự do cho các đạo luật liên quan đến truyền thông và các đảng phái chính trị.
Trong khi đó, hàng chục ngàn người Xyri đã tập trung biểu tình tại quảng trường Sabeh Bahrat ở trung tâm thủ đô Đamát để bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống Assad. Đài truyền hình quốc gia Xyri cũng phát hình ảnh các cuộc tuần hành lớn trên khắp cả nước, từ thành phố Homs tới Aleppo và Dier al-Zor. Những người tham gia tuần hành cho biết, mục đích của họ là ngăn chặn âm mưu phá hoại đoàn kết dân tộc. Họ khẳng định sự ủng hộ với Tổng thống Assad, coi ông là trụ cột của đất nước Xyri. Cảnh sát đã được triển khai tại mọi ngả đường dẫn đến quảng trường Sabeh Bahrat ở thủ đô để ngăn chặn bạo lực.
Các nhà chức trách Xyri đã cáo buộc những băng nhóm có vũ trang và thành viên Hồi giáo cực đoan kích động tình trạng hỗn loạn tại nước này, khiến khoảng 30 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Quang Minh