Đã có nhiều bằng chứng cho thấy béo phì có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nặng khi nhiễm COVID-19 do các vấn đề về hô hấp và tim mạch. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào trước đó đánh giá liệu việc giảm cân có giúp giảm những nguy cơ này hay không.
Nghiên cứu mới được tiến hành với 20.212 người trưởng thành bị béo phì, trong đó có 5.053 người có chỉ số cơ thể (BMI) từ 35 trở lên và đã tiến hành phẫu thuật giảm cân tại Hệ thống dịch vụ y tế Cleveland Clinic trong giai đoạn 2004-2017. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu đã đánh giá 4 yếu tố sau: số trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tỷ lệ nhập viện, số ca cần hỗ trợ oxy và số ca có triệu chứng COVID-19 nặng (phải điều trị tích cực, cần thở máy hoặc tử vong).
Kết quả cho thấy, về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 9,1% người đã làm phẫu thuật giảm cân bị nhiễm virus, trong khi tỷ lệ này ở những người chưa làm phẫu thuật là 8,7%. Tuy nhiên, nhóm những người đã làm phẫu thuật có tỷ lệ nhập viện do COVID-19 thấp hơn 49% so với nhóm còn lại, tỷ lệ cần hỗ trợ oxy thấp hơn 63% và tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng nặng cũng thấp hơn 60% so với nhóm còn lại.
Báo cáo nghiên cứu nêu rõ “việc giảm cân ổn định có tác dụng giúp cải thiện kết quả khi nhiễm COVID-19, cho thấy béo phì là yếu tố rủi ro có thể điều chỉnh được liên quan đến tình trạng bệnh của bệnh nhân COVID-19. Điều này có nghĩa là giảm cân có thể là một chiến lược quan trọng để cải thiện tình trạng bệnh của người mắc COVID-19, đặc biệt là tại Mỹ, nơi có tỷ lệ dân số béo phì ở mức cao.
Theo tác giả nghiên cứu và là chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Tim mạch và lồng ngực của Cleveland Clinic, ông Steven Nissen, kết quả nghiên cứu cho thấy có thể cải thiện sức khỏe bệnh nhân COVID-19 bị béo phì. Ông cho rằng việc giảm cân cần được coi trọng trong chiến lược sức khỏe cộng đồng, coi đây là biện pháp cải thiện hiệu quả điều trị trong đại dịch COVID-19 hiện nay hoặc các đợt bùng phát trong tương lai cũng như các bệnh truyền nhiễm có liên quan.