Trong một nghiên cứu đăng trên trang BioRxiv hồi cuối tháng 10 vừa qua, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích mô mỡ thu được sau các phẫu thuật cắt dạ dày để xác định liệu mô mỡ có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Kết quả cho thấy SARS-CoV-2 có thể xâm nhập các chất béo tích tụ trong cơ thể, còn gọi là tế bào tạo mỡ, và gây bệnh ở mức độ nhẹ. Các nhà khoa học cũng phát hiện rằng các đại thực bào – tế bào có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, có trong mô mỡ cũng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã kiểm tra mô mỡ của những bệnh nhân mắc COVID-19 và phát hiện các hạt nano virus SARS-CoV-2 trong lớp mỡ bao quanh một số cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Cũng theo nghiên cứu trên, virus SARS-CoV-2 có thể ẩn trong lớp mỡ dưới da để tránh bị phản ứng miễn dịch của cơ thể phát hiện, tương tự một số mầm bệnh khác như virus cúm và HIV, biến mô mỡ trở thành “kho” chứa virus. Chuyên gia nghiên cứu tế bào mỡ tại Trung tâm Y tế Southwestern ở Dallas (Mỹ), ông Philipp Scherer, cảnh báo COVID-19 thực sự có thể tấn công các mô mỡ.
Các nghiên cứu công bố trước đó cũng cho thấy những người thừa cân nếu mắc COVID-19 có nguy cơ chuyển biến nặng hoặc tử vong cao hơn so với những người khác. Một số giả thuyết đã được đưa ra để giải thích tại sao chất béo làm tăng nguy cơ trở bệnh nặng. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng mỡ thừa ở bụng có thể tích tụ ở lồng ngực, làm hạn chế sự lưu thông trong phổi. Ngoài ra, huyết tương của người mắc bệnh béo phì dường như xuất hiện nhiều cục máu đông hơn so với những người giảm ăn chất béo. Do đó, khi chất béo tích tụ trong cơ thể, chúng sẽ xâm nhập vào lá lách, tế bào gốc và não, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Điều này có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể.