Kênh CNN (Mỹ) dẫn thông báo của Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) cho biết Berlin không thể phê duyệt Dòng chảy Phương Bắc 2 như một nhà vận hành độc lập bởi công ty vận hành dự án này có trụ sở ở Thụy Sĩ thay vì Đức.
Tuyên bố của Bundesnetzagentur có đoạn: "Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng các tài liệu, cơ quan quản lý kết luận rằng chỉ có thể chứng nhận nhà điều hành của Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu đơn vị đó được tổ chức theo hình thức tuân thủ theo pháp luật Đức”.
Giá khí đốt tương lai tại châu Âu đã tăng 10%, tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vốn phải chịu chi trả các hóa đơn cao hơn nhiều so với trước đây. Các nhà kinh doanh năng lượng hàng đầu cảnh báo về nguy cơ mất điện tại châu Âu trong trường hợp mùa Đông năm nay lạnh hơn mức trung bình.
Quyết định của Đức cũng diễn ra ở thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu và Nga về vấn đề Ukraine cùng khủng hoảng nhập cư ở biên giới Belarus-Balan.
Khoảng 40% khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu nhập khẩu từ Nga. Dòng chảy Phương Bắc 2 đi qua Ukraine và kết nối trực tiếp Nga với Đức, được hoàn thành vào tháng 9 bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong đó có Mỹ.
Washington cho rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ tăng cường ảnh hưởng của Moscow ở châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 15/11 còn đề cập rằng Liên minh châu Âu phải đối mặt với "sự lựa chọn" giữa việc đứng về phía Ukraine hoặc phê duyệt Dòng chảy Phương Bắc 2.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak trong tháng 10 cho biết việc hoàn thành sớm chứng nhận với Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ giúp “hạ nhiệt tình hình hiện nay”.
Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng vọt trong năm nay. Khí đốt vốn đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất điện và sưởi ấm các hộ gia đình tại châu Âu trong mùa Đông lạnh giá. Các chuyên gia hàng đầu trong ngành năng lượng đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông năm nay, trước cả khi có tin tức về quyết định của Đức với Dòng chảy Phương Bắc 2.