Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá Nga, Saudi Arabia - vốn là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới sau Mỹ - thường bất đồng trong quá khứ nhưng kể từ khi giá “vàng đen” hạ nhiệt mạnh do dịch COVID-19, hai quốc gia này cùng cắt giảm sản lượng và củng cố mức giá.
Đến nay giá dầu đã quay trở lại mức trước khi dịch COVID-19 xảy ra, khoảng 65 USD/thùng do vậy Nga cùng Saudi Arabia và các đối tác sẽ tập trung bàn luận về các bước tiến trước mắt và số lượng dầu thô đưa vào thị trường toàn cầu. Saudi Arabia gần đây quyết định giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong khi Russia và Kazakhstan lại tăng nhẹ sản lượng dầu thô.
Trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC ngày 4/3, nhà phân tích Bjarne Schieldrop tại tập đoàn Seb (Thụy Điển) phân tích: “Các ưu tiên khá rõ ràng: Nga muốn quay trở lại mức sản xuất thông thường càng sớm càng tốt trong khi Saudi Arabia có nguyện vọng hưởng lợi từ mức giá cao thêm một thời gian nữa”.
Nhà chiến lược thị trường toàn cầu của tập đoàn Axi - ông Stephen Innes phân tích rằng trong khi nhu cầu dầu thô toàn cầu đang hồi phục, OPEC muốn đảm bảo rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ tạo “thiếu hụt nhân tạo” giúp hỗ trợ giá dầu.
Sau 2 ngày đàm phán căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên năm 2021, tổ chức vào đầu tháng 1 vừa qua, 23 thành viên của OPEC và OPEC+ nhất trí giảm dần nguồn cung dầu tới thị trường thế giới.
Đối với tháng 3 này, các thành viên nhất trí mức cắt giảm 7,05 triệu thùng/ngày, ít hơn so với mức 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2.
Cuộc thảo luận cấp bộ trưởng ngày 4/3 về sản lượng dầu của OPEC+ sẽ cân nhắc đến các yếu tố đáng chú ý bao gồm nhu cầu tại Trung Quốc tăng và các chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 sắp triển khai. Trung Quốc vốn là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Capital Economics (Anh) cho rằng mặc dù COVID-19 vẫn là một mối đe dọa thì nhiều khả năng “giá dầu tăng sẽ dẫn đến diễn biến nhanh chóng nới lỏng cắt giảm” hơn các dự đoán trước đây.
Trong quá khứ, các thành viên OPEC+ thường bất đồng và hạn ngạch sản xuất một lần nữa có thể trở thành điểm đặc biệt trong thảo luận ngày 4/3.
Iran, Venezuela và Libya được miễn khỏi hạn ngạch của OPEC. Những nước khác trong đó có Iraq và Nigeria lại không tôn trọng các thỏa thuận của OPEC+ và sản xuất vượt mức hạn ngạch trong nhiều tháng.
Các thành viên của OPEC còn theo dõi sát sao các dấu hiệu liệu Tổng thống Joe Biden có nới lỏng trừng phạt với Iran hay không bởi điều này sẽ tạo điều kiện để Tehran quay trở lại thị trường toàn cầu, tăng sản lượng.