Gây dựng lại quan hệ đồng minh thân thiết

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố Tuyên bố Đại Tây Dương, thỏa thuận về quan hệ đối tác mới nhằm củng cố mối quan hệ đặc biệt và tăng cường an ninh kinh tế trước những bất ổn toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ngày 8/6/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) đang ở thăm Washington D.C.Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố Đại Tây Dương được đưa ra tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở Nhà Trắng, trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày 7-8/6 của Thủ tướng Rishi Sunak tới Mỹ nhằm tăng cường liên minh kinh tế với Wahsington, đồng thời thúc đẩy vai trò đi đầu của Anh trong việc tạo khuôn khổ pháp lý đối với trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh công nghệ này có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh toàn cầu.

Chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng của ông Sunak trên cương vị Thủ tướng Anh còn nhằm chứng minh nước Anh sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU) không đánh mất vị thế và ảnh hưởng trước Mỹ, cũng như vai trò quan trọng của Anh đối với an ninh toàn cầu bất chấp những biến động gần đây về chính trị và kinh tế tại nước này. Trong chuyến thăm với ưu tiên hợp tác kinh tế, Thủ tướng Anh đã gặp các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và tham dự hội nghị bàn tròn giám đốc điều hành các doanh nghiệp Mỹ, trước khi có cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tăng cường an ninh kinh tế; các nguy cơ từ AI và hợp tác trong lĩnh vực này; quan hệ thương mại trong lĩnh vực kỹ thuật số và hỗ trợ Ukraine. Phát biểu sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Sunak nhấn mạnh mối quan hệ Anh-Mỹ là quan hệ đồng minh không thể thiếu khi hai nước chia sẻ cùng niềm tin, theo đuổi cùng mục đích và hành động với cùng lý tưởng. Ông khẳng định Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Anh và hai nước là đối tác ưu tiên hàng đầu của nhau trong mọi lĩnh vực, từ đảm bảo an ninh cho người dân đến phát triển kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Biden khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đang thực sự tốt đẹp và không có quốc gia nào gần gũi với Mỹ hơn Anh.

Với Tuyên bố Đại Tây Dương, hai nước nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như AI, viễn thông 5G và 6G, máy tính lượng tử, chất bán dẫn và công nghệ sinh học, với những cam kết nới lỏng các rào cản bảo hộ, thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng và  hợp tác trong bảo vệ dữ liệu.

Tuyên bố Đại Tây Dương được đưa ra sau khi Anh từ bỏ hy vọng về một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với Mỹ, với việc các quan chức Anh khẳng định cách tiếp cận mới nhằm phản ứng tốt hơn trước những thách thức kinh tế toàn cầu. 

Được coi là một nhượng bộ của Mỹ, Tuyên bố Đại Tây Dương giảm thiểu các tác động của Luật giảm lạm phát được Tổng thống Biden ký ban hành tháng 8/2022, thông qua một thỏa thuận về khoáng sản quan trọng cho phép các nhà sản xuất ô tô điện của Anh sử dụng pin do Anh sản xuất hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia như Nhật Bản mà Mỹ có thỏa thuận về khoáng sản quan trọng, được hưởng khoản tín dụng thuế trị giá 3,750 USD/xe theo Luật giảm lạm phát, giúp chuỗi cung ứng xe điện non trẻ của Anh được hưởng lợi.

Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng cam kết yêu cầu Thượng viện Mỹ phê duyệt Anh là "nguồn nội địa" theo luật mua sắm quốc phòng của Mỹ, giúp thúc đẩy hợp tác nhanh và hiệu quả hơn về công nghệ quân sự mới giữa hai nước.

Ngoài việc đạt thỏa thuận giúp giảm thiểu các tác động của Luật giảm lạm phát của Mỹ đối với các doanh nghiệp Anh, Thủ tướng Sunak cũng tận dụng chuyến thăm Mỹ để quảng bá vai trò lãnh đạo toàn cầu của Anh trong việc điều chỉnh và phát triển AI. Ông cho biết Anh sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên thảo luận quy định pháp lý về AI vào mùa Thu, một sáng kiến của Anh nhằm giảm thiểu nguy cơ từ AI, khẳng định Anh vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhanh chóng và linh hoạt trong việc xây dựng các luật mới về các công nghệ mới như AI.

Ông Sunak cũng được cho là đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Joe Biden ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace kế nhiệm Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9 tới.

Chuyến thăm của Thủ tướng Sunak đưa ra những tín hiệu tích cực về mối quan hệ đang ấm lên giữa hai nước. Không giống các tiền nhiệm Theresa May và Boris Johnson, Thủ tướng Sunak là vị lãnh đạo Anh đầu tiên sau ông David Cameron được bố trí ở tại Blair House, nhà khách của Tổng thống Mỹ, một cử chỉ của Tổng thống Biden được coi là minh họa cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.

Sau cuộc hội đàm song phương, Thủ tướng Sunak đã tham gia cuộc họp báo chung với Tổng thống Biden, một sự kiện khá hiếm đối với nhà lãnh đạo Mỹ khi đây là cuộc họp báo thứ năm của ông trong năm nay. Động thái này được các nhà bình luận coi là tín hiệu cho thấy Nhà Trắng mong muốn thúc đẩy quan hệ với Anh.

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Sunak và Tổng thống Biden tại Nhà Trắng là cuộc gặp thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo trong vòng 4 tháng và là cuộc gặp thứ năm kể từ khi ông Sunak trở thành Thủ tướng Anh. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, vào tháng 5; ở Belfast, Bắc Ireland trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng 4 ;và ở San Diego, Mỹ, tại lễ công bố thỏa thuận AUKUS vào tháng 3.

Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã có một khởi đầu khó khăn do Tổng thống Mỹ và đảng Dân chủ không ủng hộ Brexit cũng như những tác động của việc Anh rời EU, gây nên bất ổn cho Bắc Ireland. Những bất ổn chính trị vào năm ngoái tại Anh cũng khiến nước này trở thành một đồng minh ít ảnh hưởng hơn ở châu Âu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Sunak đã giành được lòng tin của Tổng thống Biden nhờ cách tiếp cận thực tế trong việc giải quyết tranh chấp hậu Brexit với việc đạt thỏa thuận Khuôn khổ Windsor với EU hồi tháng 2 nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland, vốn là mối quan tâm của ông Biden, người luôn tự hào về nguồn gốc Ireland của mình. Ông Sunak cũng được đánh giá là tạo nên sự ổn định cho Phố Downing sau thời gian biến động với 3 thủ tướng chỉ trong vòng 2 tháng hồi năm ngoái. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đưa hai đồng minh xích lại gần nhau khi Thủ tướng Sunak là người kiên quyết hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine. Anh hiện là quốc gia hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine ở châu Âu.  Hai nước cũng phát triển quan hệ đối tác quân sự chặt chẽ, đặc biệt với thỏa thuận Aukus hỗ trợ Australia phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Qua chuyến thăm của Thủ tướng Sunak, Washington và London hy vọng chứng minh rằng mối quan hệ Mỹ-Anh vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết bất chấp những biến động kinh tế và chính trị gần đây ở Anh. Việc ông Sunak và ông Biden đều phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2024 với các chiến dịch tranh cử vào mùa Thu tới cũng có thể là lý do đưa hai nhà lãnh đạo xích lại gần nhau hơn.

Minh Hợp (PV TTXVN tại Vương quốc Anh)
Hy vọng thỏa thuận thương mại toàn diện Anh - Mỹ bị dập tắt
Hy vọng thỏa thuận thương mại toàn diện Anh - Mỹ bị dập tắt

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố thỏa thuận hợp tác xuyên Đại Tây Dương, đưa Anh vào quỹ đạo kinh tế của Mỹ, đánh dấu sự hồi sinh quan hệ song phương sau loạt sóng gió liên quan Brexit.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN