Mỹ: Nhiều công ty thuê chuyên gia bồi dưỡng kỹ năng mềm ở công sở cho nhân viên Gen Z

Nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đang phải cầu viện đến các chuyên gia về nghi thức ứng xử sau khi ngày càng nhiều nhân viên thuộc thế hệ Z bị đánh giá là thiếu kỹ năng cơ bản nơi công sở.

Chú thích ảnh
Một số nhân viên Gen Z khiến cấp trên "đau đầu" vì cách hành xử thiếu tế nhị nơi công sở. Ảnh minh hoạ: Straits Times

Theo tờ The San Francisco Standard, một số công ty tại San Francisco đã thuê chuyên gia để đào tạo những nhân viên trẻ mới tốt nghiệp đại học – những người bị cho là thường xuyên có hành vi không phù hợp tại nơi công sở như không chú trọng ăn mặc, coi văn phòng như phòng ngủ, để rác bừa bãi và thậm chí phớt lờ cấp trên.

Chuyên gia nghi thức xã giao Rosalinda Randall cho biết, trong những tháng gần đây, nhu cầu về các lớp huấn luyện kỹ năng mềm tại công sở đã tăng gấp đôi. Bà nhận được nhiều lời than phiền từ các nhà quản lý rằng nhân viên trẻ thiếu ý thức vệ sinh, không giao tiếp bằng mắt và thường đưa ra yêu cầu một cách thiếu tôn trọng.

“Người quản lý không muốn đóng vai cha mẹ trong công ty, nhưng cũng không thể để mặc tình trạng này tiếp diễn”, bà Randall nói. Các buổi đào tạo kéo dài khoảng 90 phút, tập trung vào kỹ năng giao tiếp cơ bản và hành xử nơi công sở, với chi phí lên tới 2.500 USD.

Bà Melissa Franks - một người sáng lập một công ty tư vấn hoạt động - cho biết các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp để quản lý hiệu quả hơn đội ngũ nhân sự trẻ. Trong khi đó, một số công ty đã chủ động thiết kế các chương trình đào tạo nội bộ nhằm củng cố kỹ năng xã hội và tinh thần làm việc.

Tập đoàn phần mềm Salesforce từ năm 2024 đã tổ chức các lớp học về kỹ năng thuyết trình, trí tuệ cảm xúc và nghi thức sử dụng ứng dụng Slack. Gần đây, công ty này còn triển khai một công cụ trí tuệ nhân tạo AI nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ năng và hỗ trợ nhân viên mới kết nối tốt hơn với môi trường làm việc.

Ông Jim Rettew, Giám đốc điều hành tạm thời của một trung tâm nghệ thuật đương đại, cho biết trung tâm của ông thường xuyên tổ chức các cuộc họp mở để khuyến khích nhân viên trao đổi thẳng thắn. Khi nói về Gen Z, ông nhận xét: “Họ không muốn bị quản lý, họ muốn được hướng dẫn”. Theo ông, thế hệ này không thiếu đạo đức nghề nghiệp nhưng còn cần thời gian để trau dồi sự tinh tế trong hành vi và thái độ.

Áp lực dành cho Gen Z càng tăng khi tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 20-24 tại Mỹ hiện ở mức 6,6%, cao hơn mức trung bình quốc gia là 4,2%. Một cuộc khảo sát vào tháng 8/2024 cho thấy 60% doanh nghiệp đã sa thải ít nhất một nhân viên Gen Z chỉ sau vài tháng làm việc.

Thậm chí, theo các chuyên gia, một số bạn trẻ Gen Z gặp khó khăn trong cả khâu phỏng vấn: thiếu kỹ năng giao tiếp, không thể trình bày rõ ràng suy nghĩ – và từng có trường hợp mang theo phụ huynh đến buổi phỏng vấn.

Cuộc khảo sát của Intelligence (Mỹ) vào tháng 12/2024 cho thấy 1/3 nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên mới ra trường thiếu đạo đức nghề nghiệp, trong khi 1/4 khẳng định họ chưa đủ năng lực bước vào thị trường lao động. Hơn 50% trong số 1.000 nhà quản lý tham gia khảo sát thừa nhận đã sa thải ít nhất một người mới tốt nghiệp vào năm 2024, và 1/8 số người được hỏi cho biết sẽ không tuyển sinh viên mới ra trường trong năm 2025.

Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc
Gen Z, bạn đã biết quản lý thu nhập của mình?
Gen Z, bạn đã biết quản lý thu nhập của mình?

Dù đã đi làm được vài năm, thậm chí có mức lương không thấp nhưng một thực tế là không ít Gen Z vẫn “thiếu trước hụt sau”. Theo các chuyên gia tài chính, với Gen Z thì vấn đề phần lớn không nằm ở mức thu nhập, mà ở cách họ chi tiêu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN