Đằng sau việc 'đoàn tàu bọc thép' của Nga bất ngờ xuất hiện ở Donbass

Đoàn tàu bọc thép Yenisey bất ngờ xuất hiện tại chiến trường Donbass, đánh dấu sự hồi sinh chiến thuật đường sắt thời Liên Xô giữa làn sóng UAV và tên lửa hiện đại.

Chú thích ảnh
Đoàn tàu bọc thép "Yenisei" của Nga. Ảnh: RIA Novosti

Theo trang tin Bulgarian Military (bulgarianmilitary.com) ngày 1/7, trong bối cảnh giao tranh ác liệt tiếp diễn tại khu vực Donbass (Ukraine), quân đội Nga đã bất ngờ triển khai "đoàn tàu bọc thép" Yenisey. Đây là một động thái được cho là nhằm củng cố công tác hậu cần và trinh sát, đồng thời cho thấy sự quay trở lại với những chiến thuật quân sự thời Liên Xô. Sự xuất hiện của Yenisey vào ngày 29/6 vừa qua, được truyền thông nhà nước Nga công bố, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả của một phương tiện cũ như vậy trong cuộc chiến tranh hiện đại.

Việc sử dụng tàu bọc thép có một lịch sử lâu đời trong chiến lược quân sự của Nga, kéo dài từ đầu thế kỷ 20. Trong Nội chiến Nga (1917–1923), chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ, giữ vững các tuyến tiếp tế và thể hiện sức mạnh trên mạng lưới đường sắt rộng lớn. Đến Thế chiến II, Liên Xô đã triển khai hàng chục đoàn tàu bọc thép được trang bị pháo và súng phòng không để chống lại quân Đức. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Lạnh, với sự phát triển của không quân và các đơn vị cơ giới hóa, vai trò của chúng dần suy giảm.

Sự hồi sinh của các đoàn tàu bọc thép ở Donbass có liên quan mật thiết đến mạng lưới đường sắt thời Liên Xô trong khu vực. Những tuyến đường này vẫn được tích hợp với hệ thống đường sắt của Nga, cho phép vận chuyển hàng hóa và nhân lực một cách liền mạch qua biên giới. Quyết định khôi phục các phương tiện này phản ánh cả sự cần thiết và tính thực dụng của Moskva, đặc biệt khi Nga đang phải đối mặt với những thách thức hậu cần do các lệnh trừng phạt của phương Tây và các cuộc tấn công của Ukraine vào các tuyến tiếp tế.

Yenisey: "Pháo đài di động" với những điển yếu cố hữu

Tàu Yenisey được trang bị đầy đủ vũ khí để thực hiện nhiều vai trò trong môi trường rủi ro cao. Theo truyền thông nhà nước Nga, Yenisey được trang bị súng phòng không tự động ZU-23-2 nòng đôi 23mm, có khả năng bắn tới 2.000 viên đạn mỗi phút vào các mục tiêu trên không như thiết bị bay không người lái (UAV) hoặc máy bay bay thấp. Ngoài ra, đoàn tàu còn được trang bị nhiều súng máy hạng nặng Utyos 12,7mm để phòng thủ chống lại các mối đe dọa trên bộ. Ấn tượng hơn, Yenisey còn có một xe chiến đấu bộ binh BMP-2 được gắn trên toa xe sàn phẳng, với pháo tự động 30mm và bệ phóng tên lửa chống tăng, tăng cường đáng kể hỏa lực cho các cuộc giao tranh trực tiếp.

Đoàn tàu bao gồm 2 đầu máy diesel và 8 toa xe, với 2 toa xe bọc thép ngay sát đầu máy. Các toa xe nằm ngay phía sau 2 toa bọc thép được trang bị ZU-23. Cấu trúc của đoàn tàu bao gồm lớp thép gia cố để bảo vệ khỏi hỏa lực vũ khí nhỏ và mảnh đạn. Tuy nhiên, nó vẫn dễ bị tổn thương trước các vũ khí chống tăng hiện đại hoặc các cuộc tấn công chính xác. Các toa được thiết kế để chở vật tư như đạn dược, nhiên liệu và vật liệu sửa chữa, trong khi một số toa khác có hệ thống chỉ huy và liên lạc. Khả năng trinh sát của Yenisey có thể dựa vào các cảm biến trên tàu, có thể bao gồm hình ảnh nhiệt hoặc radar, mặc dù các chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ.

So với các phương tiện vận tải hiện đại của quân đội phương Tây như máy bay vận tải C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ hay xe tăng T-14 Armata tiên tiến của Nga, Yenisey là một sự kết hợp giữa khả năng hậu cần với các chức năng chiến đấu và trinh sát hạn chế. Tuy nhiên, điểm yếu rõ ràng của nó là nằm ở các tuyến đường sắt cố định, khiến nó trở thành mục tiêu dễ đoán. Lớp giáp của Yenisey cũng không đủ để bảo vệ trước tên lửa dẫn đường hoặc UAV, những vũ khí đã trở thành đặc trưng của cuộc xung đột ở Ukraine. Quân đội Ukraine đã chứng minh khả năng nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng đường sắt của Nga, như cuộc tấn công vào tháng 6 vừa qua vào một đoàn tàu chở nhiên liệu ở Zaporizhzhia, gây gián đoạn hậu cần trong nhiều tuần.

Vai trò và phối hợp chiến đấu ở Donbass

Ở Donbass, nơi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, Yenisey đóng vai trò là một trung tâm di động để duy trì các hoạt động của Nga. Vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển khối lượng lớn hàng tiếp tế qua địa hình bằng phẳng của khu vực, nơi đường bộ thường bị máy bay không người lái và pháo binh Ukraine nhắm tới. Đoàn tàu này cung cấp đạn dược, nhiên liệu và phụ tùng cho các đơn vị tiền tuyến, đảm bảo các đơn vị ở mặt trận có thể duy trì áp lực lên các phòng tuyến của Ukraine. 

Ngoài hậu cần, Yenisey còn thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, sử dụng các cảm biến trên tàu để theo dõi các tuyến đường sắt và khu vực lân cận nhằm phát hiện hoạt động của đối phương. Truyền thông nhà nước Nga cũng đưa tin về vai trò của đoàn tàu trong việc sửa chữa các đường ray bị hư hỏng – một nhiệm vụ quan trọng khi Ukraine tập trung vào việc phá vỡ mạng lưới đường sắt. Việc triển khai Yenisey là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm đồng bộ hóa hậu cần với các hoạt động chiến đấu. Cuộc tập trận "phối hợp, hiệp đồng chiến đấu" gần đây đã nhấn mạnh sự tích hợp của đoàn tàu với các đơn vị khác, bao gồm xe tăng, xe bọc thép chở quân và hệ thống pháo binh.

Việc sử dụng tàu hỏa bọc thép như Yenisey phản ánh các ưu tiên chiến lược của Nga ở Donbass, nơi kiểm soát lãnh thổ phụ thuộc vào việc duy trì các tuyến đường tiếp tế. Mạng lưới đường sắt của khu vực, di sản thời Liên Xô, cho phép Nga vận chuyển số lượng lớn vật liệu một cách hiệu quả. Việc Moskva tập trung vào hậu cần đường sắt một phần là phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn đã hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến và buộc họ phải dựa vào các hệ thống cũ hơn.

Tuy nhiên, liệu đoàn tàu bọc thép trên có thể tồn tại trong chiến tranh hiện đại là một câu hỏi lớn. Các tuyến đường cố định khiến chúng trở thành mục tiêu dễ xác định của UAV, tên lửa và các đội tác chiến đặc biệt. Súng máy ZU-23-2 và Utyos chỉ cung cấp khả năng phòng thủ hạn chế trước các mối đe dọa hiện đại như UAV Bayraktar TB-2 hoặc tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp. Hơn nữa, lớp giáp bảo vệ của Yenisey không có khả năng chống lại tên lửa chống tăng hoặc bom dẫn đường. Chi phí duy trì và triển khai các đoàn tàu như vậy, so với khả năng chiến đấu hạn chế, cho thấy đây là một chiến lược bắt buộc hơn là một sự đổi mới.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Lý do xe tăng T-90M – 'át chủ bài' Nga giấu kín giữa chiến sự Ukraine
Lý do xe tăng T-90M – 'át chủ bài' Nga giấu kín giữa chiến sự Ukraine

Dù số lượng tăng vọt, dòng xe tăng tối tân nhất của Nga lại vắng bóng ở Ukraine. Điều gì đang diễn ra?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN