Dẫn một dự thảo tuyên bố của các nhà lãnh đạo, báo Nhật Bản Nikkei đưa tin: "Chúng tôi tái khẳng định tài sản của Nga trong phạm vi quyền hạn của chúng tôi sẽ vẫn bị phong toả cho đến khi Nga chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine và trả giá cho thiệt hại mà họ đã gây ra cho Ukraine".
Theo tờ Nikkei, G7 có ý định bảo lãnh khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga, dẫn nhiều nguồn tin từ G7 và Liên minh châu Âu (EU).
Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Ursula von der Leyen đã khuyến nghị các quốc gia thành viên EU xem xét cho khoản vay 38 tỷ USD của Ukraine sẽ được hoàn trả bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Đề xuất này đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 22/10. Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders cho biết G7 sẽ công bố khoản đóng góp của họ vào khoản vay 50 tỷ USD của Kiev được bảo đảm bằng tài sản của Nga tại Washington vào ngày 25/10.
Trước đó, vào cuối tháng 7, trong một thông báo trên mạng xã hội X, bà Ursula von der Leyen cho biết EU đã bắt đầu quy trình các khoản viện trợ quân sự đầu tiên cho Ukraine, trị giá 1,6 tỷ USD, lấy từ phần lãi sinh ra ra từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Tuy nhiên, Kiev sẽ không nhận trực tiếp số tiền thu được từ các tài sản của Nga. Thay vào đó, số tiền này được chuyển vào Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) - một quỹ để bù đắp chi phí cho các nước EU cung cấp vũ khí cho Kiev.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU và các nước G7 đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, lên tới khoảng 323 tỷ USD. Trong số đó, hơn 220 tỷ USD được nắm giữ tại EU, chủ yếu là nằm trong Euroclear - một trong những hệ thống thanh toán lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bỉ.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga mô tả hành động đóng băng tài sản của nước này ở châu Âu là hành vi trộm cắp, lưu ý EU không chỉ nhắm vào các quỹ tư nhân mà còn cả tài sản nhà nước của Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng Nga sẽ đáp trả nếu tài sản bị đóng băng của Nga ở phương Tây bị tịch thu. Ông đề cập rằng Nga cũng có quyền tịch thu các quỹ của các nước phương Tây tại Nga.
"Mặc dù những hành động của EU chưa cần phản ứng của Nga ngay lập tức, nhưng chắc chắn là lý do để Nga sau này có những biện pháp nhằm đáp trả trước những quyết định bất hợp pháp như vậy của Liên minh châu Âu. Nga sẽ hành động, nhưng những hành động đó cần được cân nhắc kỹ lưỡng và phù hợp với lợi ích của Nga", người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.