Để tiếp tục phát động cuộc đấu tranh cách mạng, chống lại chế độ độc tài Batista, ngày 25-11-1956, Fidel Castro cùng 81 chiến sĩ các mạng từ Mexico đáp tàu Granma vượt biển trở về Tổ quốc.
Vốn là một dân tộc đã từng được vũ trang đứng lên chiến đấu liên tục trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ XIX lật đổ ách thống trị và đập tan xiềng xích của thực dân Tây Ban Nha, nên ngay từ khi nổ ra cuộc đảo chính của tên độc tài Batista, nhân dân Cuba đã nhận thức được sự nghiêm trọng đối với vận mệnh của dân tộc và sự thiếu vắng một lực lượng chính trị có khả năng đương đầu và xoá bỏ chế độ bù nhìn, tay sai của Mỹ.
Trong hoàn cảnh đó, cũng đã có những nhóm chính trị mưu tính đến việc đánh đổ chế độ độc tài nhưng mọi hoạt động của họ đều không thành công.
Ảnh tư liệu: Lãnh tụ Cuba Fidel Castro (trái) và cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva ngày 1/5/1963. |
Đồng thời với hoạt động của những lực lượng kể trên, một nhóm thanh niên do Fidel Castro lãnh đạo, đã nhen nhóm ý định lập kế hoạch lật đổ ách thống trị của tên phát xít và chính quyền thân Mỹ này. Kế hoạch ban đầu là cuộc tấn công trại lính Moncada vào ngày 26-7-1953.
Điều đáng tiếc là, vào những phút cuối cùng, những nỗ lực này đã bị thất bại. Phần lớn các chiến sĩ đã hy sinh ngay trong trận đánh hoặc bị giết sau khi bị bắt. Fidel Castro, Raul, Castro, Juan Almeida…bị bắt giam.
Tuy thất bại nhưng những hành động quân sự của những chiến sĩ ngày 26-7 đã đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn đấu tranh cuối cùng của nhân dân Cuba vì sự nghiệp giải phóng toàn bộ đất nước, đồng thời tạo tiền đề cho sự trở về của con tàu Granma vào ngày 25-11-1956.
Tinh thần cuộc tấn công vào trại lính Moncada đã làm dấy lên rộng rãi trong quần chúng nhân dân phong trào đòi ân xá cho Fidel, và những người bị bắt. Trước sức mạnh của phong trào này, chế độ độc tài đã buộc phải trả lại tự do cho Fidel, cùng đồng đội sau hơn một năm cầm tù. Fidel Castro, Raul, Castro, Juan Almeida ra tù vào tháng 5-1955 và phải sống lưu vong tại Mexico.
Tại đây, Fidel Castro đã tập hợp lại những chiến sĩ yêu nước, quyên góp tiền mua sắm vũ khí và luyện tập quân sự. Khi giai đoạn chuẩn bị lực lượng ở nước ngoài đã hoàn thành, Fidel Castro quyết định sớm đưa đội quân của mình trở về Tổ quốc để phát động nhân dân đứng lên đạp đổ chế độ độc tài quân sự Batista, tay sai của đế quốc Mỹ.
Rạng sáng 25-11-1956, theo kế hoạch định, Fidel đã cùng 81 chiến sĩ yêu nước bước lên con tàu mang tên Granma, rẽ sóng vượt đại dương để trở về Đất Mẹ, tiếp tục công cuộc kháng chiến chống lại chế độ độc tài Batista.
Trải qua rất nhiều sóng gió, đến ngày 2-12, cuộc đổ bộ lịch sử hoàn tất. Tuy nhiên, khi chưa kịp triển khai thì lực lượng của Fidel Castro đã bị quân đội Batista bao vây và tấn công. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, phần lớn chiến sĩ đã hy sinh, chỉ còn lại 12 người, trong đó có Fidel Castro. 12 chiến sĩ cuối cùng này sau đó đã rút về vùng rừng núi Sierra Maestra hiểm trở để xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Được sự tham gia và giúp đỡ của nhân dân, căn cứ địa cách mạng Sierra Maestra nhanh chóng được củng cố và mở rộng, lực lượng nghĩa quân ngày càng đông đảo và chiến tranh du kích được phát triển rộng khắp cả nước.
Bước sang những năm 1957 - 1958, nhiều căn cứ địa mới được thành lập. Phong trào đấu tranh vũ trang đã lan rộng khắp mọi miền đất nước. Các lực lượng vũ trang khởi nghĩa liên tục giành được thắng lợi trên các mặt trận và đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Cuối tháng 12 - 1958, nghĩa quân chiếm được pháo đài Santa Clara án ngữ thủ đô La Habana. Trước nguy cơ sụp đổ, ngày 30-12-1958, Batista bỏ trốn ra nước ngoài.
Ngày 1-1-1959, được sự phối hợp chặt chẽ của cuộc tổng bãi công chính trị của công nhân và nhân dân La Habana, nghĩa quân đã tiến vào chiếm lĩnh thủ đô mà không cần phải nổ súng. Chế độ độc tài Batista đã bị lật đổ. Cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Cuba giành thắng lợi, chấm dứt 5 thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập đất nước.
Không chỉ có vậy, dưới sự lãnh đạo tài tình của Fidel Castro, thành công của cách mạng Cuba đã làm nổi bật tinh thần yêu nước của nhân dân Cuba, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành độc lập - tự do của nhân dân Mỹ Latinh. Tinh thần đó đã tác động rất lớn đến các phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Fidel Castro cũng góp phần làm sáng tỏ một sự thật, đó là trong thời đại ngày nay, sự phát triển của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì các mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội luôn là khuynh hướng tất yếu của lịch sử, không thể phủ nhận được.
Lãnh đạo thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Cuba, chấm dứt 5 thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân và giành lại độc lập cho đất nước, Fidel Castro đã thực sự đi vào huyền thoại, trở thành người anh hùng trong lòng mỗi người dân khu vực Mỹ Latinh.