Động thái can thiệp khẩn cấp vào thị trường tiền nói trên được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt tiền mặt đã đẩy lãi suất tăng lên. Sự thiếu hụt này đe dọa khả năng kiếm soát của Fed đối với một công cụ quan trọng mà ngân hàng này dùng để đưa chính sách tiền tệ của mình vào nền kinh tế, vì khoảng lãi suất mục tiêu của Fed góp phần ấn định mọi loại lãi suất cho vay, như các khoản vay thế chấp và vay mua ô tô.
Khác với nghiệp vụ mua lại được Fed chi nhánh NewYork thực hiện trong ngày 17/9, khi chỉ có 53 tỷ USD được sử dụng trong số 75 tỷ USD được chấp thuận chi, ngày 18/9, Fed chi nhánh New York nhận được số yêu cầu thỏa thuận mua lại lên tới 80 tỷ USD, vượt con số sẵn có.
Mục đích của động thái nói trên của Fed là nhằm giữ cho lãi suất cho vay qua đêm nằm trong khoảng mục tiêu 2-2,25% của ngân hàng này. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi quyết định mới nhất của Fed về chính sách tiền tệ, dự kiến đưa ra ngày 18/9 (theo giờ Mỹ). Đa số các nhà kinh tế dự báo Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp lần này.
Theo một số chuyên gia kinh tế, dù việc hạ lãi suất ngắn hạn không phải là bằng chứng về khả năng chuẩn bị có một cuộc khủng hoảng tài chính song nó cho thấy Fed đang mất kiểm soát với lãi suất cho vay ngắn hạn. Nó cũng phát đi tín hiệu Phố Wall đang chật vật trong việc hấp thu lượng khổng lồ trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm bù đắp tiền cho thâm hụt ngân sách của nước này.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ của các nhà lập pháp Mỹ trong việc tăng trần nợ liên bang vào đầu năm nay cũng đã gây ra tồn đọng trong các vấn đề nợ ngân sách khiến chính phủ không thể huy động thêm tiền. Việc Fed chi nhánh New York sử dụng một số biện pháp trên thị trường tiền tệ vốn chưa từng sử dụng đến suốt một thập kỷ qua với hy vọng làm giảm tình trạng thắt chặt thanh khoản dường như đang phát huy tác dụng.