Vì sao Fed can thiệp vào thị trường tài chính?

Lần đầu tiên trong hơn một thập niên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) chi nhánh New York ngày 17/9 đã “bơm” hàng tỷ USD vào thị trường tài chính để giữ lãi suất ngắn hạn trên thị trường cho vay qua đêm phù hợp với phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương này.

Chú thích ảnh
Trụ sở FED ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Biện pháp khẩn cấp

Theo đó, Fed chi nhánh New York đã “bơm” 53 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thông qua các thỏa thuận mua lại (repo), đồng thời cho biết sẽ bơm thêm tới 75 tỷ USD vào sáng 18/9 (theo giờ Mỹ).

Theo giới quan sát, thị trường đang theo dõi sát sao những động thái tiếp theo của Fed để xác định xem ngân hàng trung ương này có biến những phản ứng này thành một biện pháp về lâu dài hay không.

Động thái trên của Fed chi nhánh New York diễn ra khi các ngân hàng phải đối mặt với nhiều áp lực liên quan đến tình trạng thiếu vốn do hoạt động vay liên bang gia tăng, bên cạnh quyết định thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của Fed trong những năm gần đây. 

Lãi suất liên bang, một chuẩn lãi suất ảnh hưởng đến chi phí vay trong toàn hệ thống tài chính, đã tăng từ mức 2,14% ghi nhận vào ngày 13/9 lên 2,25% vào đầu tuần này. Thậm chí có lúc con số trên đã đạt tới mức 5% trong ngày 17/9 theo quan sát của các nhà giao dịch, cao hơn rất nhiều so với biên độ lãi suất 2 - 2,25% mà Fed đang duy trì.

Ông Gennadiy Goldberg, một chiến lược gia tại công ty môi giới đầu tư TD Securities, nhận định việc can thiệp trên hiện là một biện pháp khẩn cấp của Fed. Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục “rót” tiền để đảm bảo hoạt động trơn tru của thị trường repo trong một thời gian, mặc dù chưa rõ hoạt động này có thể kéo dài bao lâu. 

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đặt ra phạm vi mục tiêu để điều chỉnh lãi suất ngắn hạn trên thị trường cho vay qua đêm giữa các ngân hàng. Nhưng mức lãi suất này sau cùng vẫn do các thị trường xác định. Nếu một loạt hoạt động trên các thị trường gặp vấn đề, lãi suất liên bang có thể đi chệch đáng kể so với phạm vi mục tiêu.

Trong ngắn hạn, diễn biến trên có thể chỉ ảnh hưởng đến những bên tham gia thị trường cho vay qua đêm. Nhưng nếu kéo dài đủ lâu, nó có thể ảnh hưởng đến mức lãi suất mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chi trả.

Linh hoạt trong điều hành chính sách  

Theo ông Keith Perli, một nhà phân tích tại công ty môi giới chứng khoán Cornerstone Macro, việc lãi suất tăng trên thị trường cho vay qua đêm rõ ràng là điều Fed không mong muốn. Vì chúng cản trở khả năng của Fed trong việc điều tiết chính sách tiền tệ để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. 

Fed chưa từng phải can thiệp vào thị trường tài chính kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Bởi lẽ trong và sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Fed đã bơm vào hệ thống tài chính khoản dự trữ của các ngân hàng gửi tại đây, thông qua việc mua hàng trăm tỷ USD trái phiếu và chứng khoán được thế chấp với mục đích thúc đẩy tăng trưởng sau khi đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng không.

Lượng dự trữ trên đã giảm dần trong 5 năm qua, sau khi Fed ngừng mua thêm chứng khoán và bắt đầu thu hẹp lượng tài sản do họ nắm giữ từ năm 2017. Từ mức cao kỷ lục 2.800 tỷ USD, lượng dự trữ này đã giảm xuống dưới 1.500 tỷ USD vào tuần trước.

Trong năm qua, Fed đã hạ lãi suất dành riêng cho các ngân hàng gửi tiền tại đây, khiến việc gửi tiền tại Fed trở nên ít hấp dẫn hơn và qua đó tăng thanh khoản trên các thị trường cho vay ngắn hạn khác. Trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters từ ngày 9 - 12/9 đối với 120 chuyên gia kinh tế, Fed được dự đoán sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 18/9, xuống còn 1,75 - 2%. Sau đó Fed được cho là sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa xuống 1,5 - 1,75% trước khi “án binh” cho đến ít nhất là hết năm 2020.

Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm thanh khoản trên thị trường có thể khiến Fed phải cân nhắc những biện pháp khác từng được xem xét trước đó. Hồi tháng 6, các quan chức đã tranh luận về việc gia tăng hỗ trợ thị trường repo bằng cách xây dựng một phương tiện hỗ trợ thanh khoản mới giúp giảm thiểu biến động trong nhu cầu tiền mặt của người tham gia. Các quan chức khi đó chưa đi tới một quyết định cuối cùng.

Ngoài ra, nhiều khả năng giới chức Fed sẽ cho phép mở rộng bảng cân đối kế toán trở lại bằng cách mua thêm trái phiếu Kho bạc để bù đắp cho lượng nợ phải trả đang tăng lên, qua đó sẽ ngăn lượng dự trữ giảm sâu hơn nữa.

H.Thủy  (TTXVN)
Cuộc đối đầu về lãi suất giữa Tổng thống Donald Trump và Fed
Cuộc đối đầu về lãi suất giữa Tổng thống Donald Trump và Fed

Đối mặt với triển vọng kinh tế bất ổn đến đáng ngại và liên tục bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích kèm yêu cầu đưa ra các biện pháp kích thích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ hạ lãi suất trong tuần tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN