Croatia, quốc gia cuối cùng gia nhập EU gần một thập kỷ trước, hôm nay, 1/1/2023, trở thành thành viên mới đầu tiên của khu vực đồng euro kể từ khi ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva từ bỏ đồng nội tệ vào năm 2011, 2014 và 2015.
Nhưng Croatia gia nhập Eurozone vào một thời điểm hơi khó xử.
Đây không phải là thời điểm tuyệt vời để gia nhập câu lạc bộ này: đồng euro trượt ngang giá so với đồng đô la Mỹ vào tháng 7 và vẫn yếu mặc dù đã lấy lại được một phần giá trị trong những tháng gần đây. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang trong cuộc "thập tự chinh" chống lại lạm phát khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Một cuộc suy thoái mùa đông đang là nguy cơ tiềm tàng.
Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Croatia Marko Primorac tỏ ra lạc quan. Ông nói với Politico trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi chắc chắn rằng lãi suất và chi phí đi vay nói chung sẽ tăng trong thời gian tới. "Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng mức tăng cho Croatia sẽ thấp hơn nhiều so với khi chúng tôi không gia nhập khu vực đồng euro".
Ngoài ra còn có những lợi ích khác: các hãng Fitch, Moody's và Standard & Poor's đều tăng xếp hạng tín nhiệm đối với Croatia khi Zagreb được Ủy ban châu Âu và các bộ trưởng tài chính Eurozone bật đèn xanh gia nhập vào tháng 7 sau khi đáp ứng một loạt tiêu chí bao gồm giá cả, tỷ giá hối đoái và lãi suất ổn định, cũng như kỷ luật ngân sách và một lệnh cấm tài trợ tiền tệ.
Việc chuyển đổi tiền tệ tại Croatia đã diễn ra từ lâu và người dân nước này đã chuẩn bị sẵn sàng: Đồng Kuna của Croatia đã ổn định ở mức khoảng 0,13 euro/kuna trong nhiều tháng; kể từ tháng 9, tất cả giá cả hàng hóa được niêm yết bằng cả hai loại tiền tệ; máy bán hàng tự động đang được điều chỉnh. Một lượng lớn đồng euro mới đang được đúc: đồng 2 euro có bản đồ Croatia, đồng 1 euro có hình con chồn thông (Kuna, loài động vật quốc gia của Croatia) hay hình nhà phát minh Nikola Tesla với các mệnh giá 0,5 euro, 0,2 euro và 0,1 euro.
Bộ trưởng Primorac cho biết Croatia cũng sẽ giành được một ghế trong Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu và đang trong quá trình phê chuẩn hiệp ước Cơ chế Ổn định châu Âu, dự kiến diễn ra trong tháng 1. Ông nói: “Khi nói đến lá chắn bổ sung sẽ có khi tham gia Cơ chế Ổn định châu Âu, chúng tôi coi đây là lợi ích bổ sung cho nền kinh tế Croatia”.
Nếu như với Croatia, danh sách lợi ích khi vào Eurozone khá dài, thì với chính khu vực này, lợi ích nhận được là một "sinh viên" đi đầu. Mặc dù là một quốc gia Địa Trung Hải như Italy và Hy Lạp - những thành viên mắc nợ nhiều nhất của khối, nhưng Croatia đã thực hiện một chính sách bảo thủ về tài chính trong nhiều năm, giúp hạ thấp gánh nợ.
Tỷ lệ nợ trên GDP của nước này, sau khi tăng vọt trong đại dịch COVID-19 giống như ở tất cả các quốc gia EU khác, đang có xu hướng giảm mạnh, ở mức 74,3% trong quý 2 năm nay, so với 86,3% trong cùng kỳ năm ngoái - giảm 12 điểm phần trăm.
“Các nước Địa Trung Hải có xu hướng linh hoạt hơn trong vấn đề này", ông Primorac nói. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu và ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn". Ông nói thêm rằng ông hy vọng tỷ lệ nợ trên GDP sẽ giảm xuống dưới 65% vào năm 2025.
Khi nói đến việc Croatia tiếp nhận các đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm cải tổ các quy tắc tài chính, Bộ trưởng Primorac đã không chỉ trích, mà thay vào đó ca ngợi đó là "một bước tiến tốt". Ông bày tỏ rằng ông hiểu các quốc gia cần đầu tư nhiều hơn vào các dự án quốc phòng hoặc dự án xanh.