Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Ủy viên Ngư nghiệp của EU Karmothy Vella nói: "Chống đánh bắt cá bất hợp pháp là ưu tiên hàng đầu của EU. Tôi rất mừng vì hôm nay chúng tôi có một đối tác mới cam kết trong cuộc chiến này".
Thái Lan là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới với mức đánh bắt mà các tổ chức môi trường cho rằng có được từ việc đánh bắt bất hợp pháp, lợi dụng công nhân có mức lương thấp là lao động "chui" từ các nước láng giềng.
Năm 2015, EU đã áp đặt cảnh báo "thẻ vàng" đối với quốc gia Đông Nam Á này, đe dọa sẽ cấm tất cả các sản phẩm xuất khẩu thủy sản nếu Bangkok không giải quyết được tình trạng đánh bắt cá không kiểm soát và lạm dụng lao động.
Chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã phải nỗ lực để hồi sinh nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn cũng như cố gắng để tránh bất kỳ lệnh trừng phạt nào có thể gây thiệt hại đối với lĩnh vực kinh tế quan trọng này.
EU, một thị trường với 500 triệu người tiêu dùng, là nhà nhập khẩu các sản phẩm thủy sản lớn nhất thế giới. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính giá trị đánh bắt cá bất hợp pháp trên toàn thế giới mỗi năm có thể lên tới 10 - 20 tỷ euro (11 tỷ đến 22 tỷ USD).