Dòng người di cư chen nhau lên tàu tại nhà ga Keleti ở Budapest ngày 10/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Việc Số nhà chức trách Áo phải tạm ngừng các chuyến tàu đến và đi từ Hungary do người di cư theo đường Balkan đổ vào Hungary trong ngày 10/9 chạm kỷ lục mới, một lần nữa đã làm sâu sắc thêm những bất đồng trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) về phương án chung ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới 2 tới nay.
Trái ngược với các quốc gia ở Tây Âu luôn sẵn sàng đón tiếp người di cư, các quốc gia cửa ngõ ở Đông Âu lại đưa ra hàng loạt biện pháp để ngăn chặn dòng người di cư đang ngày càng trở nên quá tải. Kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư tới các quốc gia thành viên EU đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các nước Đông Âu.
Trong khi Đức, quốc gia đầu tàu trong việc tiếp nhận người di cư, cho rằng kế hoạch phân bổ 160.000 người di cư chỉ là "muối bỏ bể" và kêu gọi các nước thành viên EU tích cực hơn nữa trong việc nhận phân bổ hạn ngạch, thậm chí tiếp nhận không giới hạn, thì các quốc gia ở Đông Âu tuyên bố sẽ không chấp nhận hạn ngạch phân bổ mà Ủy ban châu Âu đưa ra.
Romania, Slovakia cho rằng việc áp hạn ngạch phân bổ bắt buộc là việc làm mang tính quan liêu, độc đoán mà không có sự tham khảo ý kiến từ các thành viên. Dự kiến ngày 11/9, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ có cuộc họp với ngoại trưởng các quốc gia Đông Âu bao gồm CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia với hy vọng tìm tiếng nói chung trong cách giải quyết vấn đề người nhập cư.
Ngày 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Macedonia Nikola Poposki cho biết, tương tự Hungary, nước này có thể xây dựng một hàng rào dọc biên giới để ngăn chặn làn sóng đông đảo người di cư và tị nạn đang hàng ngày vượt đường bộ qua các nước vùng Balkan tìm đường đến Tây Âu.
Tờ tuần báo Figyelo của Hungary đăng bài phỏng vấn ông Poposki, trong đó ông tiết lộ có thể kết hợp hai loại hàng rào: binh sĩ và dây thép gai để giảm số người nhập cư trái phép. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Macedonia, hiện nước này có thể cho phép từ 3.000 đến 4.000 người di cư đi qua đất nước mỗi ngày trên con đường đến Serbia và Hungary. Song ông Poposki cũng nhấn mạnh rằng hiện châu Âu chưa có được sự đồng thuận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư này.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, 160.000 người đã đi qua Macedonia trên con đường di cư, gây nên tình trạng hỗn loạn khiến hồi tháng trước chính phủ nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong lúc này, đất nước trung chuyển khác là Hungary đang xem xét ban bố tình trạng "khủng hoảng" trên cả nước do làn sóng người di cư đổ vào quá đông. Đề xuất của Bộ Nội vụ Hungary sẽ được thảo luận tại cuộc họp chính phủ ngày 15/9 tới.
Tuy nhiên, Chính phủ Hungary dự định sẽ rút lại đề xuất lập những "vùng trung chuyển" tại biên giới Serbia, đồng thời lập kế hoạch đón tiếp và cho người di cư lưu trú tại các trạm đăng ký trong khi chờ xử lý đơn xin tị nạn của họ.
Dù nằm trong dự luật đã được Quốc hội Hungary thông qua ngày 4/9 và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9 tới, song dự án "vùng trung chuyển" tại khu vực vành đai trắng bên ngoài biên giới Hungary, cho phép triển khai quân đội để kiểm soát người di cư tại đây, đã gây tranh cãi về tính pháp lý. Sau đây, các trạm đăng ký sẽ được thiết lập gần các trạm tị nạn.
Còn tại đất nước Bắc Âu thu hút người di cư do có luật di cư khá nới lỏng là Thụy Điển, chính phủ vừa quyết định tăng ngân sách đón tiếp và hội nhập người di cư, theo đó, 1,8 tỷ kronor (tương đương 215 triệu USD) sẽ được cấp cho các địa phương trong năm 2016 và tăng lên 2,6 tỷ kronor trong năm 2017.
Thủ tướng Stefan Lofven cho biết khoản ngân sách bổ sung này nhằm cung cấp cho người nhập cư các khóa học tiếng, đào tạo nghề, dịch vụ trông con trong lúc họ học tập, trường học cũng như đấu tranh chống phân biệt đối xử.
Trong năm 2014, Thụy Điển đã tiếp nhận 80.000 đơn xin tị nạn, số đơn trong 8 tháng đầu năm nay đã lên tới 50.000. Tính theo tỷ lệ với số dân (9 triệu người) thì Thụy Điển hiện đang là nước tiếp nhận người nhập cư đông nhất trong Liên minh châu Âu (EU).
Hiện các điểm nóng về người di cư tập trung ở biên giới Serbia-Hungary, nơi số người tập trung đạt kỷ lục 5.000 người trong ngày 10/9, Macedonia-Hy Lạp, nơi phóng viên hãng AFP thống kê được 50 xe buýt và 3 đoàn tàu chở khoảng 5.500 người di cư rời Macedonia.
Đặc biệt tại đảo Lesbos của Hy Lạp, ngày 10/9 cảnh sát cho biết đã thống kê được 22.500 người di cư đến đảo này chỉ tính từ tối 7/9, chủ yếu là người Syria đến qua đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ. Số người di cư quá đông đồ về cùng lúc, nhiều người trong số họ còn không có giấy tờ tùy thân, đã khiến cảnh sát và cơ quan đăng ký khẩn cấp phải hết sức vất vả trong công tác tiếp nhận.
Bộ trưởng Nội vụ EU sẽ có cuộc họp ngày 14/9 để thảo luận về phương án chia sẻ gánh nặng di cư giữa các thành viên trong khối để giảm tải cho các quốc gia cửa ngõ. Các nghị sĩ của EU cũng đã kêu gọi tổ chức hội thảo quốc tế về vấn đề di cư với sự góp mặt của các quốc gia ngoài khối như Mỹ, các nước Arab, cũng như sự tham gia của Liên hợp quốc.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi ngày 10/9 đã lên tiếng chỉ trích chính sách của các nước EU đối với Syria góp phần gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm qua.
Qua đó, ông thúc giục các nước EU phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với những người tị nạn Syria đang tìm mọi cách để tới "lục địa già". Theo Bộ trưởng Syria, các nước EU đã khiến những người Syria chạy trốn khỏi quê hương bằng cách "gửi những kẻ khủng bố và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Arab".
EU phải chịu trách nhiệm cho chính sách chống Syria của mình. Ông al-Zoubi nói thêm bất kỳ người Syria nào ở nước ngoài cũng có thể trở về nước bất cứ lúc nào.
Bất chấp những nỗ lực chính trị của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria, tình trạng bạo lực leo thang tại quốc gia Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và đẩy khoảng 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 3/2011.