Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu sau hội nghị bất thường của các bộ trưởng nội vụ EU ngày 27/2, Bộ trưởng Faeser cho biết, tại hội nghị, lần đầu tiên các nước EU đã đạt đồng thuận giữa tất cả các quốc gia thành viên về việc cùng tiếp nhận người tị nạn chiến tranh một cách nhanh chóng và không quan liêu thủ tục giấy tờ. Bà nhấn mạnh rằng tất cả các nước EU đã sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn chiến tranh từ Ukraine.
Bộ trưởng Đức cho biết, các bộ trưởng nội vụ EU tại cuộc họp hôm 3/3 tới sẽ quyết định áp dụng một thủ tục tiếp nhận tương tự ở tất cả các quốc gia thành viên. Cụ thể, những người tị nạn từ Ukraine không phải làm thủ tục xin tị nạn mà nhận được sự bảo hộ tạm thời ở EU trong tối đa 3 năm. Quy định đặc biệt này được EU lần đầu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều đơn xin tị nạn tới mức quy trình thông thường có thể bị quá tải, cụ thể trong trường hợp này là xuất hiện "dòng người tị nạn ồ ạt" đổ vào EU. Quy định này được đưa ra sau cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ những năm 90 của thế kỷ trước, song cho tới nay chưa từng được áp dụng, kể cả khi xuất hiện làn sóng người tị nạn năm 2015 và 2016. Tại cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU tới đây sẽ chỉ cần tối thiểu 15 nước EU chiếm ít nhất 65% dân số của khối đồng ý để quy định này được kích hoạt. Các tiêu chuẩn tối thiểu mà tất cả các nước EU phải đảm bảo khi tiếp nhận người tị nạn Ukraine, bao gồm phải cấp cho họ giấy phép lao động, trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ vị thành niên và trong một số điều kiện nhất định gồm cả khả năng đoàn tụ gia đình.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tới ngày 27/2 đã có khoảng 370.000 người từ Ukraine đi lánh nạn sang các nước láng giềng. Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và giải quyết khủng hoảng Janez Lenarcic ước tính đến nay có thể đã có trên 7 triệu người Ukraine phải đi lánh nạn. Nếu tình hình giao tranh kéo dài hơn, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở lục địa châu Âu trong nhiều năm qua.