Phát biểu tại cuộc gặp với phóng viên TTXVN và một số cơ quan thông tấn quốc tế tại Jakarta, Đại sứ Driesmans cho rằng Thỏa thuận Vận tải hàng không toàn diện EU - ASEAN - hiệp định liên khối đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này được ký kết vào năm 2022 - sẽ thúc đẩy đáng kể kết nối hàng không, giao lưu nhân dân và phục hồi kinh tế ở 37 quốc gia liên quan.
Bên cạnh việc triển khai thỏa thuận trên, EU cũng mong muốn đầu tư nhiều hơn vào ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ EU - ASEAN tại Brussels (Bỉ) ngày 14/12/2022, EU đã công bố khoản đầu tư 10 tỷ euro vào các nước Đông Nam Á trong vài năm tới trong khuôn khổ chiến lược “Cửa ngõ Toàn cầu” nhằm giải quyết một số nhu cầu kết nối lớn của ASEAN. Ngoài ra, EU cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các nước ASEAN, bên cạnh các hiệp định đã ký với Singapore và Việt Nam. Theo đó, các cuộc đàm phán FTA giữa EU với Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ được nối lại.
Đại sứ Driesmans cho biết ưu tiên thứ hai của EU là phát triển một chương trình nghị sự xanh và bền vững chung với ASEAN. Đây là ưu tiên hàng đầu đối với EU và mối quan hệ đối tác EU - ASEAN. EU đang triển khai thỏa thuận xanh với mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và do vậy cần hợp tác với ASEAN để biến điều này thành hiện thực trong bối cảnh Đông Nam Á đang ngày càng phát thải carbon nhiều hơn do tăng trưởng nhanh.
Theo nhà ngoại giao châu Âu, EU đã và đang phát triển nhiều dự án và chương trình hợp tác với ASEAN như hỗ trợ xây dựng thành phố xanh thông minh, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý đất than bùn bền vững... Với mục tiêu mở rộng tham vọng đó, EU mong muốn hợp tác với Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 để tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường EU - ASEAN lần thứ nhất, đồng thời sẽ mở thêm đối thoại với ASEAN trong lĩnh vực năng lượng.
Đại sứ Driesmans cho biết ưu tiên thứ ba của EU là thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh với ASEAN, trong bối cảnh cả hai khu vực đều đang đối mặt với một số vấn đề an ninh. Đặc biệt, EU mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN để đảm bảo các tuyến đường vận tải tự do và rộng mở ở Biển Đông, tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trên tinh thần đó, EU cam kết hỗ trợ các cuộc đàm phán để đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Đại sứ nhấn mạnh rằng ưu tiên thứ tư của EU là thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - vốn là một nội dung ưu tiên lớn của Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 - đồng thời nhắc lại cam kết của EU ủng hộ hoàn toàn chương trình nghị sự của Indonesia trong lĩnh vực này, trong đó có Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới.
Với việc EU đã công bố chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khi ASEAN cũng có Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), hai bên có thể tìm thấy sức mạnh tổng hợp giữa hai chiến lược, tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng, an ninh hàng hải, xuất phát từ những nguyên tắc cùng chia sẻ, sự ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm và hợp tác.
Cuối cùng, Đại sứ Driesmans nhấn mạnh rằng ASEAN vững mạnh là lợi ích của EU và lợi ích của EU là đảm bảo ASEAN an toàn và thịnh vượng. Cùng nhau, EU và ASEAN đã thể hiện mình là “mỏ neo” của chủ nghĩa đa phương và là “lời nguyện” cho sự ổn định ở hai khu vực. EU mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác song phương ngày càng mạnh mẽ hơn thông qua Hội nghị Cấp cao EU - ASEAN vào tháng 12 tới.