Cụ thể, chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Eurozone trong tháng 1 đã tăng lên 50,2 điểm so với 49,3 điểm trong tháng 12/2022. Chỉ số PMI ở mức trên 50 điểm biểu hiện sự tăng trưởng.
Nền kinh tế châu Âu đã được hưởng lợi từ lạm phát thấp hơn, chuỗi cung ứng được cải thiện và việc Trung Quốc mới đây mở cửa trở lại nền kinh tế, làm dấy lên tinh thần lạc quan cho năm 2023.
Nhà kinh tế trưởng của hãng S&P Chris Williamson nói: “Cuộc khảo sát chắc chắn mang đến một tin tốt rằng bất kỳ cuộc suy thoái nào cũng có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với lo ngại trước đây và rằng một cuộc suy thoái hoàn toàn có thể tránh được”. Tuy nhiên, ông cảnh báo khu vực này vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm do nhu cầu tiếp tục giảm, dù với tốc độ chậm hơn trước.
Theo kết quả khảo sát, Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone, cũng được hưởng lợi từ lực từ chuỗi cung ứng được nới lỏng, giúp ngành sản xuất của nước này. PMI tổng hợp tại Đức đã tăng từ 49 điểm trong tháng 12/2022 lên 49,7 điểm trong tháng 1. Tuy nhiên, sản lượng ở Pháp trong tháng 1 lại giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp do hoạt động dịch vụ giảm mạnh.
Theo S&P, sản lượng của các nước thành viên còn lại trong Eurozone (gồm 20 quốc gia sau khi Croatia gia nhập vào tháng 1) cũng tăng trưởng trở lại. Tỷ lệ lạm phát tại khu vực này vẫn ở mức cao là 9,2%, song đã giảm trong 2 tháng liên tiếp nhờ tốc độ tăng giá năng lượng chậm lại.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde bày tỏ hy vọng nền kinh tế Eurozone sẽ phát triển "tốt hơn rất nhiều" so với lo ngại ban đầu, với dự báo về "suy giảm chút ít" thay vì suy thoái.