EU phác thảo lộ trình cho Gaza sau xung đột

Lộ trình do EU dự thảo sẽ bao gồm 3 "Có" và 3 "Không” cho Gaza thời hậu xung đột.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau cuộc oanh kích của Israel xuống một trại tị nạn ở miền Trung Dải Gaza, ngày 13/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Với việc lực lượng Israel hiện đã tiến sâu vào Gaza, khoảng hai tuần sau khi bắt đầu chiến dịch trên bộ nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Hamas, các ngoại trưởng EU ngày 13/11 bắt đầu xem xét tương lai có thể như thế nào sau khi giao tranh kết thúc.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm trên, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết: “Chúng ta cần tập trung vào một giải pháp trung và dài hạn, một kịch bản hậu xung đột có thể đảm bảo sự ổn định trên cơ sở liên tục, giúp xây dựng hòa bình giữa người Palestine và người Israel cũng như trên toàn khu vực”.

Cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết 11.240 người Palestine đã thiệt mạng trong Dải Gaza do các hành động quân sự của Israel kể từ vụ tấn công của Hamas ngày 7/10, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, theo số liệu của Chính phủ Israel.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết ông đã phác thảo một “khuôn khổ”, trong đó các yếu tố ban đầu đã được thảo luận lần đầu tiên giữa các bộ trưởng EU, nói rằng điều này là cần thiết để phát triển một giải pháp cho Dải Gaza hậu xung đột.

Ông Borrell nêu rõ: “Chúng tôi cần phải tiến hành việc này ngay lập tức, với sự cộng tác của Mỹ và các quốc gia Arab”. Mỹ đã nói rằng người Palestine nên quản lý Gaza sau chiến tranh nhưng việc đó sẽ diễn ra như thế nào trên thực tế vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo Borrell, lộ trình do EU thảo luận sẽ bao gồm “3 Có và 3 Không” cho Gaza sau xung đột. Theo lộ trình dự thảo, 3 “Không” bao gồm: không buộc người Palestine phải di dời khỏi Gaza, không thu hẹp lãnh thổ Gaza và vấn đề Gaza không bị tách rời khỏi giải pháp tổng thể cho vấn đề Palestine.

3 “Có” sẽ bao gồm: Thứ nhất, việc tìm kiếm các chủ thể có thể giúp xây dựng các thể chế, trong đó cần các chủ thể mà tính hợp pháp của họ sẽ được Hội đồng Bảo an [LHQ] xác định. Thứ hai, sự tham gia mạnh mẽ hơn của các nước Arab vào việc tìm kiếm giải pháp. Thứ ba, sự tham gia nhiều hơn của EU trong khu vực và vào giải pháp hai nhà nước.

“Chúng tôi đã vắng mặt quá nhiều, chúng tôi đã ủy thác giải pháp này cho Mỹ, nhưng bây giờ EU phải vào cuộc nhiều hơn vì nếu không tìm ra giải pháp, chúng ta sẽ trải qua một vòng xoáy bạo lực vĩnh viễn từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thương vong này đến thương vong khác”, ông Borrell nói.

Phát biểu với các phóng viên ở Brussels, ông Borrell cũng ám chỉ đến những cân nhắc của các quốc gia thành viên EU về việc ai sẽ cai trị Gaza sau xung đột, cho thấy Chính quyền Palestine có thể là một phần của giải pháp chính trị rộng lớn hơn với một nhà nước Palestine độc lập.

Ông Borrell lưu ý: “Chúng tôi nghĩ rằng phải nói tiếng 'có' đối với Chính quyền Palestine, để một chính quyền Palestine có tính hợp pháp được Hội đồng Bảo an [LHQ] thừa nhận. Có thể hiểu được rằng Chính quyền Palestine sẽ không muốn tiến vào Gaza, trước mũi xe tăng của Israel”.

Ông Borrell cũng thông báo sẽ đến thăm Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, cũng như một số quốc gia Arab, như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thảo luận về viện trợ nhân đạo cho Gaza và các vấn đề chính trị với các nhà lãnh đạo khu vực.

Công Thuận/Báo Tin tức
Trung Quốc và các nước Arab phản ứng về vấn đề vũ khí hạt nhân liên quan đến Israel
Trung Quốc và các nước Arab phản ứng về vấn đề vũ khí hạt nhân liên quan đến Israel

Trung Quốc, Iran và các nước Arab đã phản ứng với tuyên bố của Bộ trưởng Israel về việc thả bom hạt nhân xuống Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN