EU không còn sợ ‘tối hậu thư’ của Nga

Dù quan chức Nga có tuyên bố việc dừng Dòng chảy phương Nam là một tổn thất đối với châu Âu, các chuyên gia năng lượng nhìn nhận dự án mới của Nga ít có tính khả thi.

Sau nhiều năm theo đuổi tuyến đường ống Dòng chảy phương Nam dẫn khí chạy dọc đông nam đến trung tâm châu Âu, Tập đoàn Gazprom (Nga) hồi tuần trước đã thông báo có sự thay đổi quan trọng. Theo đó, thay vì vận chuyển khí đốt qua Ukraine, Gazprom sẽ xây dựng tuyến đường ống mới, chuyển khí đốt tới trạm trung chuyển đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, còn việc sau đó là của Liên minh châu Âu (EU). “Dòng chảy phương Nam đã chấm dứt. Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường ống duy nhất, không có lựa chọn nào khác”, Alexander Miller, Giám đốc điều hành Gazprom nói.

Nga thay "Dòng chảy phương Nam" (màu vàng) bằng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (màu xanh). Ảnh: Parapolitika


Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhìn nhận "tối hậu thư" của Nga đang "mất uy" bởi nhu cầu giảm sút ở EU, cùng với việc châu Âu hoàn toàn có thể chuyển hướng sang những nhà cung cấp khác, cùng với đó là sự im lặng đáng ngờ từ Thổ Nhĩ Kỳ. “Vị thế trên bàn đàm phán của Gazprom hiện yếu. Họ chỉ có mỗi nền tảng các tuyên bố châu Âu không thể thiếu khí đốt Nga. Đáng tiếc, thực tế không phải vậy”, Sergei Pikin, Giám đốc Quỹ Phát triển Năng lượng có trụ sở ở Moskva nhận định.

Đầu tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Dòng chảy phương Nam trị giá 45 tỉ USD bị loại bỏ, do quan điểm “thiếu thiện chí” từ EU. Lãnh đạo. Bulgaria và Serbia, những nước phụ thuộc rất lớn vào khí đốt Nga vẫn cố tin rằng dự án sẽ được nối lại. Nhưng quan điểm của Nga không có gì thay đổi. Cả ông Miller và Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak đều nói rằng EU nên nhanh chóng xây tuyến đường ống đấu nối vào Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không, nguồn khí này sẽ rẽ sang các thị trường khác.

Theo ông Pikin, EU hiện chỉ lo ngại cho các nước Đông Âu, thế nhưng nếu bị dồn ép, châu Âu trong 10 năm tới sẽ hoàn toàn có thể không dùng tới khí đốt của Nga. Khí đốt hiện chiếm 23% trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng ở châu Âu, giảm so với mức 25% năm 2010. Tỉ lệ này dự kiến sẽ còn thấp hơn nữa, với việc EU chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo mới, trong đó có khí hóa lỏng.

Nhiều điểm nghi vấn

Các tuyên bố mà Nga phát đi được xem là mạnh mẽ, thế nhưng quả thực Moskva đang “cầm dao, nhưng chưa nắm được chuôi”. Theo dự kiến, dự án sẽ chính thức đi vào vận hành năm 2018, tổng lưu lượng khí đốt qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là 63 tỉ m3 khí/năm, trong đó 14 tỉ m3 khí đáp ứng nhu cầu của Ankara, số còn lại có đích ngắm đến là châu Âu. Thế nhưng nếu chỉ đặt đường ống đến Thổ Nhĩ Kỳ và dừng lại ở đó, không có đường dẫn đến các khách hàng châu Âu thì quả thực đây là dự án vô nghĩa, không có giá trị kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và đồng cấp người Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo ở Ankara hôm 1/12/2014. Ảnh: Reuters


Sự im lặng của Ankara cũng là điều đáng ngờ. “Chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan dường như chưa có một tầm nhìn rõ ràng nào đối với dự án. Ankara cũng chưa quyết định mình sẽ đảm nhận vai trò gì ở đây. Có quá nhiều điều chưa chắc chắn và chưa có bất kì một thỏa thuận mang tính pháp lý nào được ký kết”, Gulmira Rzayeva, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford bình luận.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết, ít có khả năng dự án này sẽ được triển khai trên thực tế, vì Nga gặp khó khăn về tài chính. “Nói một cách thẳng thắn, không mấy người ở Thổ Nhĩ Kỳ xem trọng dự án này. Trong bối cảnh hiện nay, Nga dường như muốn chứng minh mình không bị cô lập và vẫn có được các đối tác quốc tế, mà dự án mới này là minh chứng”, nhân vật này nói.



Hoài Thanh (Theo The Moscowtimes, Euobserver)

Nga ngừng dự án 'Dòng chảy Phương Nam' vì lý do pháp lý
Nga ngừng dự án 'Dòng chảy Phương Nam' vì lý do pháp lý

Việc Moskva quyết định ngừng dự án xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam", với mục đích bơm trực tiếp khí đốt của Nga tới châu Âu bỏ qua các nước trung chuyển, hoàn toàn là vì các lý do pháp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN