Theo báo "Moskovskyi Komsomonles", việc Nga từ bỏ dự án dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" đã gây tranh cãi cả trong Liên minh châu Âu (EU) lẫn các quốc gia liên quan khác. Đương nhiên, Mỹ hài lòng trước quyết định này bởi châu Âu đã bắt đầu thoát ra khỏi "vòng kim cô" khí đốt của Nga, và Mỹ sẽ có thể xuất khẩu khí đốt đá phiến của mình sang Lục địa Già. Brussels đang chờ cho tới khi được ra được quyết định chung. Quan điểm cụ thể của EU sẽ được đưa ra ngày 9/12, khi diễn ra cuộc họp các nước tham gia và đối tác của Nga về "Dòng chảy phương Nam".Ai là người được lợi khi Nga dừng dự án "Dòng chảy phương Nam".
|
Hiện tất cả đều cảm thấy sốc trước quyết định của Tổng thống Nga, Vladimir Putin, ví dụ như Serbia, Bulgaria và Áo. Có lẽ các nước này sẽ yêu cầu được bồi thường vì "Dòng chảy phương Nam" không chỉ giúp họ nhận được lượng nhiên liệu cần thiết mà còn đem lại thu nhập qua phí chuyển tải khí đốt. Họ sẽ đòi bồi thường từ Nga, nước buộc phải đưa ra quyết định như vậy, hay đòi bồi thường từ EU, khối đã nhiều năm qua kìm hãm dự án.
Châu Âu cho rằng nguyên nhân chính khiến Nga ngừng dự án là sự bất ổn về tài chính và chính trị của nước này.
Quả thực, khi bắt đầu dự án giữa thập niên 2000, Nga đang có nguồn lực tài chính to lớn. Thêm vào đó, tập đoàn độc quyền khí đốt Nga, Gazprom có thể dễ dàng vay số tiền cần thiết ở phương Tây với lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm tình hình thay đổi mạnh - các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh Nga trong một thời gian dài bị cấm tiếp cận các thị trường tài chính chủ chốt.
Nguyên nhân thứ 2 là sự cản trở triển khai dự án của Brussels. EU hiểu rằng tuyến đường ống này sẽ đặt dấu chấm hết cho hệ thống chuyển tải khí đốt Nga qua Ukraine cho châu Âu. Và như vậy, "vệ tinh" của châu Âu sẽ mất đi nguồn thu ngân sách đáng kể.
Trong bối cảnh mơ hồ này, quyết định của Tổng thống Putin là nhằm sử dụng một viên đạn đạt được 2 đích với dự án "Dòng chảy phương Nam", được đánh giá ở mức 23 tỷ USD, trong đó Gazprom đóng góp một nửa.
Đích thứ nhất: Khoảng 4,5 tỷ USD đã đầu tư vào phát triển dự án đường ống dẫn khí đi trên lãnh thổ Nga, mua ống và trang thiết bị. Nay Nga sẽ xây tuyến đường ống sang Thổ Nhĩ Kỳ, với chỉ phí bằng một nửa. Và như vậy Nga có thể tận dụng các đường ống cũng như những phát triển của "Dòng chảy phương Nam".
Đích thứ 2: Bằng cách tăng nguồn cung cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga khiến cho việc xây dựng các tuyến ống khác chuyển tải khí đốt từ Trung Á trở nên vô nghĩa. Trước tiên đó là tuyến đường ống dẫn khí đốt Nabucco, cung cấp "nhiên liệu xanh" từ Iran và Azerbaijan. Tiếp đến là tuyến đường ống trung chuyển khí đốt trực tiếp từ Iran.
Tuy nhiên việc ngừng dự án "Dòng chảy phương Nam" có thể là cú đòn tài chính nặng nề giáng vào Nga, từ chính các bạn bè với nước này. Bulgaria sẽ mất 400 triệu euro mỗi năm tiền phí chuyển tải khí đốt Nga. Serbia đã đầu tư vào dự án 30 triệu euro, và có thể cũng nhận được ngần đó phí chuyển tải. Tổng thống Serbia, ông Tomislav Nikolic tuyên bố: "Đây là trò mèo vờn chuột, và chúng tôi bị thiệt hại".
Còn Áo, nước có thể trở thành không chỉ trung tâm phân phối khí đốt của "Dòng chảy phương Nam" tại châu Âu mà đã xây dựng trên lãnh thổ nước mình các cơ sở lưu trữ, mức thiệt hại còn lớn hơn. Người đứng đầu công ty dầu khí Áo, một trong những đối tác lớn nhất tại châu Âu của Gazprom, ông Gerhard Reuss đã bày tỏ sự bất ngờ trước quyết định trên, theo ông, "khí đốt cần không được sử dụng như vũ khí chính trị".
Đương nhiên vẫn chưa rõ những gì đã được qui định trong hợp đồng xây dựng "Dòng chảy phương Nam" và cần yêu cầu ai bồi thường trong trường hợp dự án bị ngừng bởi quyết định của một trong các bên. Một nguồn tin gần gũi với Gazprom cho biết đó là bất khả kháng và Nga cần không thiệt hại thêm.
Đương nhiên Gazprom có trách nhiệm trả cho Serbia 30 triệu euro, song rất ít khả năng Belgrade sẽ đòi khoản tiền này. Tổng thống Nikolic cho rằng thiệt hại do ngừng dự án "Dòng chảy phương Nam" còn thấp hơn nhiều thiệt hại nếu Serbia, theo yêu cầu của EU, tham gia vào chiến dịch trừng phạt Nga.
Duy Trinh (
P/V TTXVN tại Moskva)