Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với các quốc gia quê hương của người di cư hoặc nơi họ đi qua. EU sẽ tăng cường hợp tác với các nước này để điều tra, bắt giữ và truy tố những kẻ buôn lậu và buôn người, đưa người tị nạn và người di cư kinh tế vào những hành trình nguy hiểm qua đường bộ và đường biển.
Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu, hầu hết trong đó là người Syria và Iraq chạy trốn các cuộc xung đột trên quê hương mình. Số người đi cư giảm đáng kể từ sau khi EU đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn làn sóng này. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được viện trợ 3 tỷ euro (3,4 tỷ USD) để đổi lấy nỗ lực ngăn chặn người di cư vào châu Âu.
Các nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi cải thiện giám sát biên giới bên ngoài, tuy nhiên không đi vào chi tiết. Một nguyên nhân để EU tìm kiếm những giải pháp bên ngoài là do một số nước thành viên từ chối chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn hoặc chia sẻ công việc tiếp đón những người mới đến, phần lớn trong số họ đến qua một số quốc gia Nam Âu.
Các nước Địa Trung Hải như Hy Lạp, Italy và gần đây là Tây Ban Nha đã phàn nàn họ bị "bỏ rơi" và phải tự quản lý làn sóng người di cư. Căng thẳng trong cách quản lý người di cư đến châu Âu đã tạo thuận lợi cho các đảng cực hữu tại châu Âu.
EU đang nhắm đến Ai Cập cho một giải pháp hướng đến châu Phi. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi và ca ngợi nước này đã ngăn chặn những người rời khỏi bờ biển Ai Cập để sang châu Âu.
Mục đích là để lính biên phòng Ai Cập tuần tra bảo vệ ngoài khơi Libya - điểm bắt đầu cho các cuộc di cư qua biển Địa Trung Hải để đến được Italy và để gửi trả lại người di cư về quê hương họ.