Theo trang tin Politico.eu ngày 9/2, trong một bức thư gửi cho Moskva, Liên minh châu ÂU (EU) cho biết đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán chính thức về việc Nga tăng cường binh lực lớn dọc theo biên giới Ukraine, một lần nữa kêu gọi Điện Kremlin rút quân.
Bức thư được ký bởi nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell và thể hiện phản ứng chung của Liên minh này đối với một văn bản gần đây mà Nga gửi cho các nước thành viên của khối.
“Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc đến tình hình hiện tại và tin tưởng chắc chắn rằng căng thẳng và bất đồng phải được giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao. Chúng tôi kêu gọi Nga giảm leo thang và rút quân ở và xung quanh Ukraine và Belarus", bức thư viết.
Bức thư cho biết thêm: “Cùng với các đối tác của chúng tôi trong NATO, chúng tôi ở Liên minh châu Âu sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Nga về các biện pháp để tăng cường an ninh cho tất cả các bên”.
Đây là động thái mới nhất trong một loạt cuộc đàm phán và trao đổi ngoại giao diễn ra sôi nổi sau khi Nga điều hơn 100.000 quân và vũ khí hạng nặng dọc biên giới Ukraine, gây lo ngại về một cuộc tấn công sắp xảy ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối rút quân trừ khi NATO và các đồng minh phương Tây giảm đáng kể sự hiện diện quân sự của họ ở Đông Âu, đưa ra một số yêu cầu mà phương Tây coi là phi lý. Cụ thể, các nhà lãnh đạo phương Tây đã từ chối đề nghị Nga đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập liên minh quân sự NATO.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao của cả hai bên đã nỗ lực trong những tuần gần đây để tìm ra các lĩnh vực đàm phán thông qua một loạt các cuộc gặp và trao đổi thư từ.
Bức thư mới nhất của EU đề nghị tiếp tục đàm phán thông qua một số hình thức, bao gồm tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), một nhóm liên chính phủ tập trung vào an ninh, cũng như thông qua Hội đồng NATO-Nga. Các cuộc thảo luận gần đây đã diễn ra ở cả hai định dạng, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết được tình hình.
Tài liệu của Nga đặc biệt nhấn mạnh đến các cuộc đàm phán của OCSE, trong bối cảnh tất cả các nước EU đều là thành viên của tổ chức này, trái ngược với NATO, vốn chỉ bao gồm 21 nước EU. “Chúng tôi tin rằng OSCE là diễn đàn thích hợp để giải quyết các mối quan tâm về an ninh của tất cả các bên liên quan, bổ sung cho các định dạng hiện có khác bao gồm Hội đồng NATO-Nga,” bức thư của Nga lưu ý.
Tài liệu gần đây của Moskva, do Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov gửi, đã buộc các nước EU phải làm rõ quan điểm của họ về một số thỏa thuận quốc tế, cho rằng các đồng minh phương Tây xem xét và lựa chọn phần nào cần nhấn mạnh trong trao đổi ngoại giao của họ.
Phản ứng của EU không nêu chi tiết về các thỏa thuận cụ thể mà Ngoại trưởng Lavrov đã đề cập, nhưng họ nói rằng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ “tạo cơ hội để giải quyết chủ đề này”, cũng như “các tài liệu quan trọng khác hình thành nền tảng của an ninh châu Âu”.
Ông Borrell cho biết Nga không công nhận vai trò của EU trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về Ukraine, đó là lý do tại sao Ngoại trưởng Lavrov gửi thư cho các nước EU - chứ không phải EU với tư cách là một tổ chức.
Tuy nhiên, ông Borrell nói thêm lá thư của ông Lavrov gửi các thành viên EU về cơ bản là "mở ra một hướng đối thoại mới", nhấn mạnh giờ đây EU nên làm việc để hình thành một phản ứng chung và “thể hiện sự thống nhất của châu Âu và có thể thể hiện rằng chúng ta không phải là 27 quốc gia khác nhau mà là một liên minh, điều mà Nga không muốn chấp nhận”.