Nga ra dấu hạ nhiệt căng thẳng với phương Tây về Ukraine

Sau những cảnh báo đối với NATO và phương Tây, Nga bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy muốn tránh leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo hãng tin Reuters ngày 9/2, đằng sau những hành động mới nhất của Nga đối với NATO và những lời cảnh báo với phương Tây, có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin đang muốn tránh leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine và tìm kiếm một số thỏa hiệp với phương Tây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters

Mới đây, ông Putin cảnh báo lần thứ hai chỉ trong một tuần rằng châu Âu sẽ bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột với Nga mà "có thể sẽ không có người chiến thắng" trong trường hợp Ukraine gia nhập NATO và sau đó tìm cách tái chiếm Crimea - khu vực Nga đã sáp nhập năm 2014.

Nhưng trong hội nghị thông tin của Điện Kremlin kết thúc sau 1 giờ sáng hôm nay, ông Putin cũng đề cập đến cuộc đối thoại đang diễn ra, rằng một số đề xuất từ ​​Mỹ và NATO đã được thảo luận, và rằng Nga sẽ làm phần việc của mình để tìm ra những thỏa hiệp phù hợp với tất cả các bên liên quan.

Hai nhà phân tích tại Moskva cho rằng Nga vẫn rất coi trọng đàm phán. Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Vấn đề Quốc tế của Nga, cho biết: “Tất nhiên, ông Putin vẫn giữ quan điểm của mình nhưng tôi nghĩ rằng Moskva không có xu hướng leo thang căng thẳng. Bạn có lẽ sẽ không trao đổi với đối thủ trong 7 giờ khi bạn không muốn đối thoại", đề cập đến cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Pháp.

Nga đã tăng cường lực lượng gần biên giới với Ukraine với những đề nghị cốt lõi mà ông Putin đã nhắc lại ngày 8/2: không mở rộng NATO, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và rút các hoạt động triển khai hiện tại của NATO về giới tuyến như năm 1997.

Ông Putin chỉ trích Mỹ và NATO đã bỏ qua những điều này trong các phản hồi chính thức mà họ gửi cho Moskva vào ngày 26/1, trong đó có những đề xuất và lời sáo rỗng chính trị về một số điểm thứ yếu.

Nhưng phản ứng của Mỹ cho thấy có sự thỏa hiệp với những lo ngại cụ thể của Nga, đề cập rằng Washington sẵn sàng trao đổi về một thỏa thuận có đi có lại liên quan đến việc không triển khai tên lửa và lực lượng chiến đấu ở Ukraine, đồng thời đàm phán cơ chế minh bạch để xác minh rằng Mỹ không đặt tên lửa hành trình Tomahawk tại các cơ sở phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania.

Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập của tạp chí Russia in Global Affairs, cho rằng nếu Moskva không thể khiến phương Tây cam kết không kết nạp Ukraine, họ có thể tìm kiếm một kết quả cuối cùng tương tự như thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015.

Ông Lukyanov lưu ý có khả năng "sẽ xuất hiện những đường nét của thỏa thuận mới" sau một số dàn xếp, xen lẫn với thông báo về các bước chuẩn bị an toàn mới ở châu Âu cùng với những sáng kiến mà Tổng thống Pháp đã đề xuất cũng như các biện pháp kiểm soát vũ khí mới mà Washington chuẩn bị đề cập.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nga nói Đức và các thành viên NATO bị Mỹ chi phối, 'chiếm đóng'
Nga nói Đức và các thành viên NATO bị Mỹ chi phối, 'chiếm đóng'

Theo quan điểm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Đức và phần còn lại của NATO đang chịu sự chi phối của Mỹ - quốc gia yêu cầu họ chi 2% GDP cho quân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN