Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố chỉ trích quyết định trên của EU, cho rằng động thái này là sự ủng hộ đối với "các nhóm khủng bố " tại Syria. Tuyên bố nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của EU "không công bằng", trực tiếp ảnh hưởng tới người dân Syria và cuộc sống của họ, cũng như khả năng của hệ thống y tế Syria trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19.
EU áp đặt cấm vận đối với Chính phủ Syria từ năm 2011 và tiến hành gia hạn hàng năm. Các lệnh trừng phạt bao gồm cấm vận dầu mỏ, hạn chế một số đầu tư, đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương Syria do EU nắm giữ, hạn chế xuất khẩu thiết bị và công nghệ lưỡng dụng, cũng như thiết bị và công nghệ giám sát hay ngăn chặn liên lạc qua Internet và điện thoại. Danh sách cấm vận gồm 255 cá nhân và 67 tổ chức.