Tại cuộc họp trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ), cựu giám đốc cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc, Jan Egeland - người hiện đứng đầu NRC, cho biết mặc dù có các biện pháp miễn trừ đối với hoạt động cung cấp y tế và thực phẩm, nhưng các nhóm viện trợ vẫn phải đối mặt với những rào cản để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Ông Jan Egeland lo lắng những nơi đang khó khăn sẽ càng trở nên tồi tệ hơn sau đại dịch.
Liên quan đến các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt, ông Jan Egeland cho biết đang yêu cầu các quốc gia này dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với toàn bộ các dân tộc và quốc gia khác. Các lệnh trừng phạt đối với Iran, Venezuela, Syria và các nơi khác khiến NRC gặp nhiều khó khăn trong công tác cứu trợ trong đại dịch COVID-19.
Trong động thái liên quan, các nước châu Âu là thành viên của HĐBA LHQ, gồm Đức, Pháp, Bỉ và Estonia ngày 28/4 cho biết các lệnh trừng phạt của EU đối với Venezuela sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ y tế cho quốc gia Mỹ Latinh này.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, sau cuộc họp kín trực tuyến của HĐBA, các nước trên đưa ra tuyên bố chung cho biết “Các lệnh trừng phạt của EU đối với Venezuela được lên kế hoạch rõ ràng để không ảnh hưởng đến người dân. Do đó, các biện pháp trừng phạt không cản trở đến việc hỗ trợ nhân đạo hoặc y tế dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tuyên bố chung của Đức, Pháp, Bỉ và Estonia nhấn mạnh “các thành viên EU trong HĐBA kêu gọi phi chính trị hóa hoạt động hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo an toàn và không bị cản trở trong việc tiếp cận nhân đạo trên khắp đất nước”.
Đức, Pháp, Bỉ và Estonia đã triệu tập cuộc họp trên của HĐBA, sau khi Nga từ chối đưa khía cạnh nhân đạo vào một phiên họp của HĐBA về Venezuela trong tuần trước.