Mỹ siết chặt trừng phạt Syria bất chấp đại dịch COVID-19

Theo hãng tin FARS của Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/5 đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương nhằm vào Syria thêm 1 năm nữa, bất chấp sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: almasdarnews

Một tuyên bố cùng ngày trên công báo liên bang cho hay việc gia hạn lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm một số nhân vật tiếp cận nguồn tài chính và cấm xuất khẩu một số dịch vụ và hàng hóa cho Syria.

Theo nguồn tin trên, xấp xỉ 10 quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran và Syria đã gửi thông điệp chính thức tới Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền để kêu gọi lập tức có hành động hướng tới việc dỡ bỏ các đòn trừng phạt đơn phương mà Mỹ đang áp dụng với các nước.

Thông điệp của các nước nêu rõ các đòn trừng phạt đơn phương và vô lý của Washington đã gây ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người dân tại những quốc gia này. Các lệnh trừng phạt chỉ là công cụ đối ngoại của Mỹ, vi phạm trắng trợn không chỉ luật pháp quốc tế mà cả Hiến chương Liên hợp quốc.  

Trước đó, ngày 28/4, tổ chức từ thiện Hội đồng Tỵ nạn Na Uy (NRC) cho rằng các cường quốc cần phải đình chỉ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia bao gồm Syria, Iran và Venezuela trong đại dịch COVID-19, trong bối cảnh đại dịch có nguy cơ làm gia tăng nạn đói và tình trạng khó khăn cho người nghèo.

Tại cuộc họp trực tuyến ở Geneva (Thụy Sĩ), cựu giám đốc cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc, Jan Egeland - người hiện đứng đầu NRC, cho biết mặc dù có các biện pháp miễn trừ đối với hoạt động cung cấp y tế và thực phẩm, nhưng các nhóm viện trợ vẫn phải đối mặt với những rào cản để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Ông Jan Egeland lo lắng những nơi đang khó khăn sẽ càng trở nên tồi tệ hơn sau đại dịch.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 20/4 cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ về việc duy trì các lệnh trừng phạt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành ở Iran, cũng như nhiều nơi trên thế giới.

Trong cuộc gặp chính thức đầu tiên với Ngoại trưởng Zarif trong năm nay, Tổng thống Assad đã bày tỏ chia buồn với chính phủ và người dân Iran, vốn đang chịu nhiều tổn thất từ dịch COVID-19 và hiện đang là tâm dịch của khu vực với hơn 5.200 người tử vong.

Thông báo của Văn phòng Tổng thống Syria cho biết tại buổi tiếp Ngoại trưởng Zarif ở thủ đô Damascus, Tổng thống Assad đã chỉ trích Mỹ duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào các quốc gia như Syria và Iran. Ông Assad cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy sự thất bại của phương Tây và những hành động sai trái của các nước này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Zarif cho rằng ý định thực sự của Mỹ khi từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 hiện đã trở nên rõ ràng.

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt, ông Jan Egeland cho biết đang yêu cầu các quốc gia này dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với toàn bộ các dân tộc và quốc gia khác. Các lệnh trừng phạt đối với Iran, Venezuela, Syria và các nơi khác khiến NRC gặp nhiều khó khăn trong công tác cứu trợ trong đại dịch COVID-19.

Trong động thái liên quan, các nước châu Âu là thành viên của HĐBA LHQ, gồm Đức, Pháp, Bỉ và Estonia ngày 28/4 cho biết các lệnh trừng phạt của EU đối với Venezuela sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ y tế cho quốc gia Mỹ Latinh này.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Mỹ hy vọng xây dựng quan hệ hợp tác mới với Nga trong vấn đề Syria
Mỹ hy vọng xây dựng quan hệ hợp tác mới với Nga trong vấn đề Syria

Ngày 7/5, đặc phái viên của Mỹ tại Syria James Jeffrey đã bày tỏ lạc quan trong việc khôi phục hợp tác với Nga nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN