Phát biểu với báo giới, đặc phái viên Jeffrey cho biết Mỹ đã nhận thấy một số dấu hiệu trên truyền thông và các hành động cụ thể của Nga rằng Moskva đang sẵn sàng linh hoạt hơn đối với Ủy ban Hiến pháp Syria. Theo ông, Nga có thể một lần nữa sẵn lòng đối thoại với Mỹ về cách thức giải quyết vấn đề Syria.
Cả Nga và Iran đều ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Năm 2015, Nga đã điều các lực lượng đến Syria để hỗ trợ Tổng thống Assad đánh bại quân nổi dậy và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tháng 5/2019, đặc phái viên Jeffrey đã tham gia các cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại khu nghỉ dưỡng Sochi nhằm tìm ra giải pháp hợp tác trong vấn đề Syria. Đến tháng 9/2019, Liên hợp quốc đã công bố thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria nhằm soạn thảo một bản hiến pháp, mở đường cho các giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, ủy ban này đạt được rất ít tiến bộ trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình tại Syria nhằm kết thúc cuộc nội chiến đã khiến 380.000 người thiệt mạng kể từ năm 2011.
Liên quan tới tình hình thực địa, Tổ chức Giám sát nhân quyền tại Syria (SOHR) ngày 7/5 cho biết, giao tranh đã nổ ra giữa các nhóm phiến quân Ahrar al-Sham và Jabha al-Shamiyed được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở thành phố Afrin, miền Bắc Syria. Tuy nhiên, SOHR không tiết lộ con số thương vong. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ xung đột của phiến quân tại các khu vực do lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria.