EU gặp khó về khí đốt do xung đột Israel - Hamas 

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng trong tuần qua do các sự kiện thế giới gần đây mang đến sự bất ổn cho thị trường. Trong khi đó, cuộc xung đột Israel - Hamas khiến lục địa này lo ngại về nguồn cung cấp khí đốt của mình.

Chú thích ảnh
Việc giảm sản lượng khí đốt của Israel có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cho EU. Ảnh: AFP

Theo trang tin Euronews.com ngày 16/10, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang trong tình trạng không ổn định do lo ngại ngày càng tăng về việc liệu có đủ nguồn cung hay không, khi cuộc khủng hoảng ở Israel và Gaza đang phủ bóng đen lên triển vọng thị trường.

Giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn châu Âu TTF của Hà Lan đã tăng 41%, lên mức cao nhất trong 8 tháng là 56 euro mỗi megawatt giờ vào tuần trước. Giá khí đốt đã tăng hơn 50% trong một tháng qua, mặc dù vẫn chưa bằng một nửa so với một năm trước. 

Những bất ổn toàn cầu đang thúc đẩy sự tăng giá, sau khi tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Chevron của Mỹ ngừng sản xuất tại mỏ khí đốt tự nhiên Tamar ngoài khơi gần bờ biển phía Bắc của Israel, khi xung đột Israel - Hamas ngày càng leo thang.

Tại sao việc đóng cửa mỏ khí đốt của Israel có tác động đối với châu Âu?

Mỏ Tamar được cho là có trữ lượng hơn 300 tỷ mét khối khí đốt, tương đương với lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu hàng năm của châu Âu. Theo Chevron, mỏ này cung cấp 70% nhu cầu năng lượng của Israel để phát điện. 

Israel đã quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động khai thác khí đốt tại Tamar, một trong những mỏ khí lớn nhất của nước này, nằm trên thềm Địa Trung Hải, không xa Dải Gaza và nằm trong tầm bắn tên lửa của Hamas. Nhưng việc ngừng hoạt động kéo dài sẽ khiến xuất khẩu khí đốt của Israel sang các nước láng giềng giảm, bao gồm cả Ai Cập, quốc gia cung cấp xuất khẩu khí đốt sang thị trường châu Âu. 

Chuyên gia Sergey Kondratyev tại Viện Năng lượng và Tài chính Nga lưu ý rằng việc đình chỉ khai thác khí tại Tamar, có thể khiến xuất khẩu giảm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến Jordan và ở mức độ thấp hơn là Ai Cập. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường châu Âu vào mùa đông ở một mức độ nhất định.

Giá khí đốt ở châu Âu cũng tăng vọt sau thông tin đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Balticconnector giữa Phần Lan và Estonia bị hư hỏng. Vụ rò rỉ dẫn đến việc đường ống phải đóng cửa tạm thời, công việc sửa chữa có thể mất vài tháng.

Tuy nhiên vấn đề giúp EU yên tâm hơn một chút là kho chứa khí đốt trên khắp châu Âu đã đạt hơn 90% công suất, bao gồm một lượng lớn khí đốt dư thừa từ mùa đông 2022/2023. Ngoài ra còn có khối lượng bổ sung đang được dự trữ tại các cơ sở lưu trữ của Ukraine.

Theo Cơ quan Giám sát Biến đổi Khí hậu Copernicus, cũng có khả năng cao là châu Âu sẽ có một mùa đông rất ôn hòa, giúp làm giảm nhu cầu về nhiên liệu sưởi ấm.  

Nhưng mặc dù EU có thể không gặp thách thức lớn về nguồn cung trong mùa đông này, tác động liên tục của sự gián đoạn khí đốt toàn cầu sẽ khiến giá tăng cao - chi phí mà các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu cuối cùng sẽ phải gánh chịu.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nguồn cung khí đốt của tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu giảm mạnh
Nguồn cung khí đốt của tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu giảm mạnh

Báo cáo của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho thấy nguồn cung khí đốt của Nga cho các thị trường trong và ngoài nước đã giảm 26,5% trong nửa đầu năm 2023, xuống còn 166 tỷ m3 so với 225,7 tỷ m3 một năm trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN