Trong nỗ lực đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược cho Ukraine, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đang đề xuất sử dụng thêm 1 tỷ euro để thúc đẩy sản xuất đạn dược ở châu Âu.
Hiện các nước phương Tây đang tìm cách tăng cường cung cấp đạn pháo 155 mm cho Ukraine khi họ cảnh báo Kiev đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng trước cuộc tấn công dữ dội của Nga.
Các quan chức EU ước tính rằng các lực lượng Ukraine sử dụng tới 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, với các trận địa pháo đang bị tiêu hao nặng xung quanh Bakhmut, trong khi quân đội Nga bắn khoảng 50.000 quả.
Các lựa chọn đề xuất của EU được gửi cho các đại sứ của khối này để thảo luận vào cuối tuần trước, do Cơ quan ngoại giao của EU (EEAS), Ủy ban châu Âu và Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) soạn thảo.
Tài liệu trên đề xuất một kế hoạch ba hướng để giải quyết sự thiếu hụt, thúc đẩy sản xuất đạn dược trên toàn khối và hỗ trợ bổ sung kho dự trữ của các quốc gia thành viên.
“Cả ba yếu tố đều rất quan trọng để duy trì sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine trong tương lai. Cả ba hướng cần phải được theo đuổi đồng thời và là một vấn đề cấp bách”, tài liệu nêu rõ.
Bước đầu tiên, EU đề xuất sử dụng thêm 1 tỷ euro trong quỹ chung để kêu gọi các quốc gia thành viên khai thác kho dự trữ của họ, đặc biệt là đạn pháo 155 mm, và cung cấp chúng cho Ukraine ngay lập tức.
Số tiền này sẽ đến từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) của khối, vốn đã dành 3,6 tỷ euro để trang bị vũ khí cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2 năm ngoái. Tài liệu cũng đề xuất “tỷ lệ hoàn trả lên tới 90%” với lý do “tình trạng cực kỳ cấp bách và sự cạn kiệt nguồn dự trữ của các quốc gia thành viên”.
Điều này xảy ra sau khi quỹ vũ khí của EU đang phải vật lộn để trang trải phần lớn các yêu cầu hoàn trả sắp tới, đặc biệt là từ các nhà tài trợ lớn nhất trong hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong bước thứ hai, kế hoạch dự kiến các quốc gia thành viên sẽ đạt được thỏa thuận mua chung đạn 155mm bởi EDA để ký các hợp đồng đầu tiên vào đầu tháng tới “trong thời hạn 7 năm”. Theo đề xuất, đây sẽ là một “đơn đặt hàng lớn”, vừa để lấp đầy khoảng trống dự trữ quốc gia, vừa đảm bảo nguồn cung cho Ukraine trong dài hạn.
Các quan chức và nhà ngoại giao EU cho rằng cách tiếp cận như vậy sẽ hiệu quả hơn so với việc các quốc gia thành viên đặt hàng riêng lẻ. Điều này cũng sẽ "gửi cho ngành công nghiệp quốc phòng một tín hiệu nhu cầu rõ ràng, cho phép họ tăng cường năng lực sản xuất một cách có trật tự và lâu dài trên khắp châu Âu”.
Lộ trình thứ ba nhằm đảm bảo sự gia tăng dài hạn trong sản xuất đạn dược của châu Âu và thúc đẩy sản xuất trong các ngành công nghiệp quốc phòng của họ để giúp duy trì việc giao hàng tiếp tục. Theo ý tưởng này, EU có thể thành lập một quỹ cụ thể để mua vũ khí chung cho Ukraine nếu các quốc gia EU đồng ý dành nhiều nguồn tài chính hơn.
Khi được hỏi thêm chi tiết, Ủy ban châu Âu nêu rõ “điều quan trọng là cung cấp nhiều hơn và nhanh hơn nếu có thể”. Nabila Massrali, phát ngôn viên đối ngoại của EU, nói: “Cơ quan Quốc phòng châu Âu đã và đang thực hiện một dự án dành riêng cho việc mua sắm chung đạn dược".
Đề xuất trên của EU sẽ được các bộ trưởng quốc phòng EU thảo luận tại cuộc họp không chính thức từ ngày 7-8/3 ở Stockholm, với sự chấp thuận chính thức dự kiến khi các bộ trưởng ngoại giao EU gặp nhau tại Brussels vào cuối tháng này (20/3).
Các nhà lãnh đạo EU sau đó có thể ký kế hoạch trên trong hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của họ vào ngày 23-24/3, theo các nhà ngoại giao EU.
Sự thúc đẩy các lộ trình trên diễn ra sau khi ông Borrell và Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton đề xuất mua chung đạn dược theo cơ chế tương tự như cơ chế được sử dụng trong đại dịch COVID-19 để mua vaccine chung.