Phát biểu với báo giới, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU, bà Ylva Johansson, cho biết EU sẽ cho phép 3 nước thành viên giáp giới với Belarus, gồm Ba Lan, Litva và Latvia, thiết lập thủ tục nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản và nghĩa vụ quốc tế, trong đó có nguyên tắc không hồi hương người tị nạn. Điều này xuất phát từ khuyến nghị của Hội đồng châu Âu về việc Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất thay đổi khung pháp lý của EU, cũng như các biện pháp cụ thể có hỗ trợ tài chính thích hợp để đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng và hợp lý tình hình.
Theo đề xuất trên, 3 quốc gia trên có thể kéo dài thời hạn đăng ký nộp hồ sơ xin tị nạn lên 4 tuần thay vì từ 3-10 ngày hiện nay. Bên cạnh đó, các nước cũng có thể xử lý tất cả các yêu cầu tị nạn ngay tại biên giới, trong đó việc xử lý kháng cáo phải diễn ra tối đa trong 16 tuần. Những đơn xin tị nạn có lý do chính đáng và liên quan đến gia đình, trẻ em sẽ được ưu tiên. Các nước cũng có thể tiến hành các thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn, trong đó có việc hồi hương những người có đơn xin bảo hộ quốc tế bị từ chối.
Các biện pháp trên sẽ có hiệu lực sau khi Hội đồng châu Âu thông qua và tham vấn với Nghị viện châu Âu.
Khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan đang khá căng thẳng liên quan đến vấn đề người di cư. EU cáo buộc Belarus để cho dòng người di cư từ Trung Đông đến nước này và vượt biên giới sang Ba Lan, cửa ngõ vào EU, cũng như các nước thành viên khác trong liên minh nhằm đáp trả việc tổ chức này áp đặt các biện pháp trừng phạt Minsk.
Phía Belarus luôn bác bỏ, khẳng định đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh. Belarus đã đề xuất kế hoạch trong đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Ủy ban châu Âu (EC) và Đức bác bỏ.