Theo ông Kalle Killar, quan chức phụ trách công nghệ của Bộ Y tế Estonia, bộ này đang phối hợp với đối tác Guardtime để chuẩn bị cho việc cấp chứng nhận điện tử từ tháng 4 tới.
Quan chức này nêu rõ chứng nhận điện tử sẽ tiện lợi cho người dân sử dụng khi muốn đi du lịch hoặc trong các hoạt động hằng ngày vì vừa dễ xác nhận vừa có tính bảo mật cao hơn chứng nhận giấy.
Ông cũng cho biết Chính phủ Estonia đang làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc cấp chứng nhận quốc tế đối với việc tiêm vaccine nhưng chương trình này có thể phải mất vài năm để phát triển và hoàn thiện.
Estonia, với 1,3 triệu dân, hiện là quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất tại châu Âu nhưng cũng nằm trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất tại châu lục này. Người dân quốc gia vùng Baltic này cũng thuộc nhóm cập nhật công nghệ nhanh nhất.
Việc cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine để tạo thuận lợi cho các kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian hạn chế vì đại dịch COVID-19 đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu triển khai. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố các kế hoạch cấp chứng nhận tiêm chủng điện tử trước mùa hè này để tạo điều kiện khôi phục ngành du lịch.
* Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 24/3 cũng đề cập vấn đề cấp chứng nhận tiêm chủng cho người dân trong một cuộc họp với các nghị sĩ nước này, dù trước đó ông từng loại trừ phương án này.
Phát biểu với các nghị sĩ, Thủ tướng Johnson cho rằng việc cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine không phải là điều xa lạ ở Anh, theo đó ông dẫn chứng việc các bác sĩ phẫu thuật phải có chứng nhận tiêm phòng viêm gan B.
Trả lời câu hỏi liệu người dân đến các quán bar có cần xuất trình chứng tiêm vaccine hay không, ông Johnson cho rằng đây có thể là một biện pháp thực hiện tùy thuộc chủ quán.
Phát biểu trên đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm của nhà lãnh đạo Anh vì trong kế hoạch đưa xứ England ra khỏi tình trạng phong tỏa công bố hồi tháng trước, ông Johnson từng loại trừ khả năng chính phủ chủ trì xây dựng một cơ chế cấp "hộ chiếu vaccine" dù một số bộ trưởng từng nhắc đến các loại chứng nhận cần thiết cho hoạt động du lịch quốc tế. Tuy nhiên, sau đó ông Johnson đã giao cho Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove nghiên cứu vai trò của chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt trong hỗ trợ khôi phục hoạt động của lĩnh vực du lịch và lưu trú.
Là quốc gia triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 nhanh nhất tại châu Âu, tới nay gần 29 triệu người dân ở nước này đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Dựa trên thành công của chương trình tiêm chủng toàn quốc, ngày càng nhiều người kêu gọi Chính phủ Anh đẩy nhanh kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế.