Động thái này nhằm duy trì thanh khoản có thể được sử dụng để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngoài ra, ECB cũng yêu cầu các ngân hàng không mua lại cổ phiếu vào thời điểm giới hoạch định chính sách ở khắp mọi nơi đang thực hiện các biện pháp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Theo thông báo đưa ra vào ngày 27/3, ECB cho biết các biện pháp trên sẽ giúp các ngân hàng giảm tổn thất và hỗ trợ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và các công ty trong đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi của ECB tương tự như ý kiến trước đó của Liên đoàn Ngân hàng Châu Âu (EBF). Hồi đầu tuần này, EBF cho biết các ngân hàng niêm yết không nên tích lũy cổ tức hoặc thực hiện mua lại cổ phiếu để duy trì lượng dự trữ vốn tối đa trong cuộc khủng hoảng này.
Trong khi nhiều ngân hàng Eurozone có thể giữ lại khoản thanh toán cổ tức năm 2020 của họ, một số ngân hàng đã thanh toán cổ tức cho năm 2019 hoặc đã cam kết sẽ thực hiện việc này. ECB cho biết không yêu cầu các ngân hàng phải bỏ kế hoạch thanh toán đã có, nhưng những ngân hàng dự kiến tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến cổ đông về đề xuất cổ tức tại các cuộc họp cổ đông thường niên sắp tới sẽ phải thay đổi kế hoạch theo khuyến nghị mới được cập nhật.
Trong một bài đăng trên blog riêng, Chủ tịch hội đồng giám sát ECB Andrea Enria cho biết, không giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng không phải là nguồn gốc của vấn đề lần này. Nhưng ECB cần đảm bảo rằng họ sẽ tham gia thực thi các giải pháp. Ông ước tính rằng việc tuân thủ đề xuất của ECB sẽ giúp hệ thống tài chính Eurozone giữ lại được số vốn 30 tỷ euro (33 tỷ USD).
Sau khi phải đối mặt với những chỉ trích vì không thực hiện nhiều hành động như các ngân hàng trung ương khác trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, ECB trong những tuần gần đây đã tung ra một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế khu vực Eurozone. Trong đó bao gồm kế hoạch mua thêm 750 tỷ euro (832 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trong năm nay để giữ dòng tiền “chảy” trong hệ thống tài chính. ECB cũng đã đưa ra một loạt các khoản vay siêu rẻ mới và nới lỏng các quy tắc về nguồn vốn dự phòng rủi ro để khuyến khích các ngân hàng cung cấp những khoản vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đang phải chống chọi với tác động từ dịch COVID-19.