Báo „Handelblatt“ của Đức tối 19/6 cho biết Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đe doạ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nếu Nga không tác động để các lực lượng li khai làm dịu tình hình ở Ukraine cũng như nối lại việc vận chuyển khí đốt cho nước này. Báo trên cho biết cả Đức và Pháp đều đe doạ Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải tiếp tục đón nhận những hậu quả trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã kêu gọi Moskva tác động các lực lượng li khai ở Ukraine; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngừng bắn ngay lập tức ở Đông Ukraine nhằm ổn định tình hình an ninh và tạo điều kiện cho việc giảm leo thang thực sự.
Khoảng 3.000 người trong đó có các thợ mỏ và những người ủng hộ lực lượng biểu tình ở miền đông Ukraine đã tham gia cuộc tuần hành tại thành phố Donetsk, miền đông Ukraine, kêu gọi hòa bình và quyền tự chủ cho khu vực này. Ảnh: AFP-TTXVN |
Lãnh đạo Đức, Pháp kêu gọi Tổng thống Putin làm mọi việc có thể để thuyết phục các nhóm vũ trang và tác động nhằm nhanh chóng chấm dứt các cuộc xung đột. Ngược lại, cộng đồng quốc tế có thể phải lựa chọn những biện pháp tiếp theo nhằm trừng phạt Nga. Theo các nhà ngoại giao, hội nghị thượng đỉnh của EU vào cuối tuần tới có thể sẽ bàn tới các biện pháp trừng phạt kinh đế đối với Nga.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm, ba nhà lãnh đạo đã thảo luận về những hậu quả tiềm tàng của cuộc tranh cãi khí đốt giữa Nga và Ukraine đối với Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Putin bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về các động thái của quân đội Ukraine ở miền Đông nước này, yêu cầu phía Ukraine giữ cam kết chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại quốc gia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande cũng kêu gọi Nga nối lại việc vận chuyển khí đốt cho Ukraine. Theo kế hoạch, vào 24/6 tới, Uỷ viên Năng lượng của EU, ông Günther Oettinger sẽ thảo luận với Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Juri Prodan ở Brussels với hy vọng có thể nối lại cuộc đàm phán về khí đốt với Nga. Theo ông Oettinger, các đại diện của Nga và Ukraine có thể ngồi trở lại vào bàn đàm phán vào giữa tháng 7 tới.
Theo các thông tin từ NATO, Nga đã tập trung một lượng binh sĩ lớn ở khu vực biên giới với Ukraine. Phát biểu tại London, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định: "Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã quan sát thấy sự hiện diện mới về quân sự của Nga, với ít nhất là hàng nghìn lính bổ sung của Nga gần khu vực biên giới với Ukraine".
Theo ông Rasmussen, nếu việc triển khai này nhằm chốt chặn biên giới và ngăn dòng vũ khí cũng như chiến binh vào Ukraine thì đó là một bước đi tích cực, song thực tế không phải như vậy. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế có câu trả lời cứng rắn với Nga trong trường hợp Moskva tiếp tục can thiệp vào Ukraine.
Mạnh Hùng