Ông nêu rõ Đức sẽ tham gia giám sát việc thi hành các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên và mở rộng quan hệ với các đối tác cũng như thực hiện các cam kết của của mình đối với khu vực, thông qua quan hệ đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc thông qua tham vấn chính sách an ninh với Nhật Bản và Australia. Đó là lý do Đức cử khinh hạm Bayern đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sứ mệnh của con tàu là hợp tác cùng với các đối tác để cùng ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh khu vực.
Khinh hạm Bayern sẽ rời cảng Wilhelmshaven, miền Bắc nước Đức, hướng tới châu Á theo lịch trình dự kiến đi qua Địa Trung Hải và kênh đào Suez, tiếp đó qua Ấn Độ Dương đến Australia, rồi đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Sứ mệnh này là một tín hiệu cho các đồng minh và đối tác của Đức về sự can dự nhiều hơn của Berlin trong khu vực được coi là hết sức quan trọng về mặt địa chính trị và kinh tế trong thế kỷ 21. Theo chuyên gia quốc phòng Helena Legarda của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Merics ở Berlin, sứ mệnh này là một bước đi lớn mang tính tích cực của Đức, qua đó hiện thực hóa "Hướng dẫn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" đã được Chính phủ Đức công bố từ tháng 9/2020.
Trong thời gian 6 tháng, con tàu được giao nhiệm vụ tham gia giám sát hàng hải việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, thăm các cảng của các nước đối tác và tham gia hợp tác đa phương. Dự kiến, khinh hạm Bayern sẽ kết thúc sứ mệnh này vào tháng 2/2022.