Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/6 ra thông cáo tóm tắt về cuộc diễn tập của Hạm đội Thái Bình Dương trên “vùng biển xa”. Bộ này không nói rõ thời điểm tổ chức diễn tập, nhưng thông báo được phát đi chỉ vài ngày sau khi có thông tin nói rằng không quân Mỹ đã điều tiêm kích tàng hình F-22 từ Hawaii để đối phó với hoạt động của Nga tại khu vực.
Hiện diện quân sự lớn của Nga ở vùng biển này dường như cũng đặt chính quyền Mỹ vào ngưỡng báo động cao, thậm chí buộc phải điều cả một cụm tàu sân bay tới khu vực. Nhưng thông tin chi tiết từ phía Mỹ cho đến thời điểm này vẫn khá mơ hồ.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận này có khoa mục huấn luyện “tiêu diệt một nhóm tàu sân bay tấn công của một kẻ thù giả định”. Đòn tấn công bằng tên lửa hành trình được thực hiện bởi các tàu chiến chủ chốt của hạm đội, như tuần dương hạm tên lửa Slava lớp Varyag, tàu khu trục tên lửa Đô đốc Shaposhikov lớp Udaloy, tàu hộ vệ tên lửa Aldar Tsydenzhapov, Gromky và Sovershenniy lớp Steregushchiy.
Tham gia diễn tập còn có tàu ngầm của Hải quân Nga, máy bay săn ngầm Tu-142M3, máy bay tuần thám săn ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương và tiêm kích đánh chặn MiG-31BM. Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận diễn ra trên vùng biển Thái Bình Dương cách quần đảo Kuril thuộc đông bắc Nga khoảng 4.000 km. Nó cũng phù hợp với thông tin truyền thông Mỹ đăng tải trước đó nói rằng Hải quân Nga diễn tập cách bờ biển Hawaii khoảng 480-800 km.
Hai nhóm tàu chiến được cho là hoạt động trên cách nhau khoảng 480 km, một nhóm đảm nhận vai trò là “quân xanh”. Mục tiêu diễn tập là phát hiện, phản công và phóng tên lửa nhằm vào nhóm tác chiến tàu sân bay giả định của đối phương, kết hợp kiểm tra năng lực phòng không và chống ngầm. Bộ Quốc phòng Nga cho biết đây là lần đầu tiên Hạm đội Thái Bình Dương tập trận theo hình thức này trong nhiều năm trở lại đây, với sự tham gia của khoảng 20 tàu chiến, tàu ngầm, tàu bổ trợ cùng với khoảng 20 máy bay các loại.
Hôm 18/6, mạng tin Honolulu Star Advertiser (Hawaii) đăng tin hai tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ đã được điều động để giám sát “máy bay ném bom tầm xa của Nga” đang hướng tới Hawaii. Trong trường hợp này, “máy bay ném bom tầm xa” nhiều khả năng là loại Tu-142MZ của Hải quân Nga, bởi nó có nhiều điểm tương đồng với máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS.
Thông tin này sau đó cũng được một số tờ báo tại Mỹ như CBS News đề cập tới. Trong cả hai trường hợp đưa tin trên, máy bay của Nga đều được xác định là chưa đi vào Vùng nhận diện Phòng không (ADIZ) của Hawaii và cũng không bị máy bay Mỹ “chặn đầu” thực sự.
Tuy nhiên, vẫn có điểm còn chưa rõ ràng. Phía Mỹ chưa xác định chính thức thông tin tiêm kích F-22 được điều động từ đâu và tại sao không chặn đầu hay áp sát máy bay Nga. Kế đến là hoạt động di chuyển của cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson (CVN-70) ở gần Hawaii, dường như là cách thức để Mỹ đáp trả hoạt động di chuyển lực lượng của Nga trong quá trình tập trận. Lúc đầu, Mỹ không xác nhận điều này, nhưng sau đó Hải quân Mỹ thừa nhận cụm tàu sân bay này đã hiện diện trên vùng biển gần Hawaii, nhưng không nói rõ thời điểm đến và lý do xuất hiện.
Hoạt động diễn tập gần Hawaii diễn ra trong bối cảnh Nga và Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Geneva hôm 16/6. Nhưng nhìn rộng ra, Hải quân Nga giờ bổ sung thêm Hawaii và vùng biển trung tâm Thái Bình Dương vào danh mục diễn tập tầm xa áp sát các vùng biển của Mỹ vốn được lực lượng này đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây. Hải quân Nga từng “áp sát” lục địa Mỹ, khi tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Omsk xuất hiện ở vùng biển Bering gần Alaska hồi năm ngoái trong một đợt diễn tập cũng được cho là lớn nhất của Hải quân Nga ở Thái Bình Dương sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Giới tướng lĩnh Mỹ gần đây liên tục lên tiếng cảnh báo về sức mạnh và tầm hoạt động của Hải quân Nga. Phó Đô đốc Andrew Lewis, Tư lệnh Hạm đội 2, từng lên tiếng cảnh báo hồi năm 2020 rằng tàu chiến Mỹ giờ đây không còn được coi là hoạt động an toàn trên vùng bờ biển phía đông hoặc là dọc Đại Tây Dương. Phó Đô đốc Daryl L. Caudle, Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Mỹ cũng bày tỏ lo ngại tương tự, với bình luận đất liền Mỹ không còn là nơi trú ẩn an toàn và Mỹ phải hướng đến các chiến dịch tác chiến tầm cao ở ngay trong vùng biển nội địa.
Tình cảnh trên sẽ lặp lại ở vùng biển trung tâm Thái Bình Dương, vấn đề còn lại chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Việc Lầu Năm góc chậm trễ, thông tin không rõ ràng về đợt tập trận của Nga gây ra nhiều nghi vấn. Hải quân Mỹ không muốn làm lớn chuyện tại thời điểm diễn tập là điều có thể chấp nhận được, bởi gắn với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Geneva. Nhưng khi hội nghị kết thúc, giới quân sự Mỹ vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về chủ đề này và đó là điều khó hiểu.