Dư luận Trung Quốc đang xôn xao sau khi truyền hình trung ương CCTV vừa phát phóng sự về những quả dưa hấu tự… nổ do người trồng lạm dụng hóa chất kích thích tăng trưởng. Những bãi trồng dưa hấu này giờ được mang biệt danh “bãi…mìn”. Lại thêm một cảnh báo nữa về an toàn thực phẩm, vấn nạn mà chính phủ nước này đang cố gắng giải quyết.
Vấn nạn dưa “bom”
Nông dân ở tỉnh Giang Tô vứt bỏ dưa “bom”. Ảnh: Internet |
Theo CCTV, khoảng 20 nông dân trồng dưa ở tỉnh Giang Tô bị thiệt hại nặng nề tới 45 ha bởi tình trạng “nổ” này. Do giá dưa hấu cũng như nhiều loại rau xanh, hoa quả khác tại Trung Quốc tăng vọt trong năm ngoái, nhiều hộ nông dân đã nhảy vào lĩnh vực này. Những người trồng loại dưa “nổ” dường như thiếu kinh nghiệm, mới sử dụng lần đầu loại chất kích thích tăng trưởng forchlorfenuron nên “quá tay”.
Forchlorgenuron không bị cấm ở Trung Quốc và cũng được phép sử dụng trong trồng nho và kiwi ở Mỹ. Giáo sư Wang Liangju tại Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, cho biết forchlorfenuron an toàn và có hiệu quả khi được sử dụng một cách thích hợp. Sở dĩ có tình trạng dưa hấu “nổ” như vậy là vì người trồng dưa đã dùng thuốc quá muộn cũng như thời tiết ẩm ướt gần đây làm tăng nguy cơ dưa tự vỡ. Giáo sư này nhận xét: “Nếu dùng forchlorgenuron khi trái còn non sẽ không vấn đề gì. Một lí do nữa là loại dưa mà các nông dân này trồng thuộc giống vỏ mỏng, vốn dĩ đã được gọi là dưa nổ bởi hay tự vỡ”.
Có thể, “dưa nổ” không phải là một thực phẩm nguy hiểm và forchlorgenuron là chất an toàn, nhưng câu chuyện này phản ánh một thực tế đáng lo ngại là nông dân Trung Quốc đang lạm dụng hóa chất (cả được phép lẫn bị cấm), sử dụng sai thuốc trừ sâu, phân bón… Có quá nhiều ví dụ minh họa như tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc phát hiện loại đậu “siêu dài” do dùng thuốc trừ sâu bị cấm isocarbophos. Tỉnh Vũ Hán thông báo đã phải tiêu hủy 3,5 tấn đậu này. Bên cạnh đó là lo ngại về tình trạng ngày càng lan tràn việc sử dụng các phụ gia thực phẩm có thể gây hại sức khỏe người tiêu dùng như thuốc nhuộm, phẩm màu…
Cuộc chiến trên toàn quốc
Chính quyền địa phương ở khắp Trung Quốc đang quyết liệt đẩy mạnh cuộc chiến chống vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). ATTP không chỉ là vấn đề xã hội mà đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá năng lực làm việc của các quan chức. Ủy ban ATTP Trung Quốc cho biết, chính quyền các tỉnh thành Thượng Hải, Bắc Kinh, Chiết Giang và Quảng Đông đã đưa ATTP vào thang đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giới chức.
Nhiều tỉnh và khu tự trị ở Trung Quốc đang tìm cách sử dụng mạng lưới truyền thông địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về ATTP cũng như những nguy hại của phụ gia thực phẩm bị cấm.
Chính quyền tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc đã lập đường dây nóng để nhận thông tin 24/24 giờ và tuyển 1.300 tình nguyện viên làm giám sát về ATTP.
Các thanh tra ATTP ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được trang bị các thiết bị phát hiện phụ gia, có thể phát hiện 27 loại phụ gia thực phẩm bị cấm một cách nhanh chóng, chính xác.
Chính quyền Bắc Kinh thông báo, các doanh nghiệp vi phạm ATTP sẽ bị hạn chế trong hoạt động đầu tư và những người đứng đầu những doanh nghiệp này sẽ bị cấm tham gia vào lĩnh vực sản xuất, phân phối thực phẩm.
Vai trò của truyền thông
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục về ATTP, truyền thông Trung Quốc cũng đang được “bật đèn xanh” đánh động dư luận về những vụ việc nghiêm trọng.
Có thể thấy trong vài tháng qua tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc là những câu chuyện về giá đỗ nhiễm độc, dầu ăn bẩn, thịt lợn “siêu nạc”, sữa “bẩn”… Nếu trước đây, các chính quyền địa phương thường có xu hướng trì hoãn hay cố bưng bít các vụ bê bối thực phẩm hay cần cấp cao hơn cho phép đưa tin rộng rãi thì giờ đây báo chí đã vào cuộc một cách quyết liệt hơn.
Ông Trương Dũng, Chủ nhiệm văn phòng của Ủy ban ATTP Trung Quốc, đã đánh giá cao vai trò giám sát quan trọng của truyền thông trong lĩnh vực ATTP. Khi mà cơ chế giám sát còn chồng chéo giữa nhiều cơ quan, tổ chức, chế tài xử phạt nhẹ và quan chức địa phương không quyết liệt với những doanh nghiệp vi phạm, truyền thông đang là lực lượng đi đầu, tích cực phanh phui nhiều vụ bê bối về ATTP.
Đầu tháng 3 vừa qua, CCTV đã phát phóng sự về thịt lợn của Henan Shuanghui – doanh nghiệp sản xuất thịt lớn nhất Trung Quốc - có chứa chất bị cấm clenbuterol. Một tháng sau, CCTV lại phanh phui một xưởng bánh bao ở Thượng Hải dùng lại bánh quá đát trộn với phẩm màu, đóng gói lại bán như bánh mới.
Trung Sơn (P/v TTXVN tại Hồng Công)