Dự thảo nghị quyết mới về Xyri bị bác bỏ

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đêm 4/2 (giờ VN) đã không thông qua dự thảo nghị quyết mới về Xyri do hai nước ủy viên thường trực là Nga và Trung Quốc một lần nữa bỏ phiếu phủ quyết. Trước đó, hồi tháng 10/2011, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết về Xyri được phương Tây ủng hộ.

Lập trường của Nga  và Trung Quốc

Nga tuyên bố bản dự thảo nghị quyết đã được sửa đổi vẫn chưa giải quyết hết được những mối quan ngại của Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, một số quan ngại của Nga cũng như những quan ngại của các nước có cùng quan điểm với Nga đã được tính đến, nhưng nội dung bản dự thảo này chưa đủ để Nga ủng hộ. Nga vẫn còn một loạt quan ngại và sẽ tiếp tục tham vấn các bên liên quan. Theo ông Gatilov, Nga sẵn sàng tiếp tục làm việc để sửa đổi văn kiện này, tiến hành xem xét và đưa ra quyết định căn cứ vào các lập trường nguyên tắc của mình.

Ông Lý Bảo Đông (giữa) bỏ phiếu phủ quyết bản dự thảo nghị quyết về Xyri tại cuộc họp của HĐBA LHQ ngày 4/2.


Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng, dự thảo nghị quyết "phát đi tín hiệu không cân xứng với các bên ở Xyri" khi không yêu cầu phe đối lập tại nước này "chấm dứt quan hệ với các nhóm vũ trang". Ông Churkin kêu gọi LHQ đưa ra một nghị quyết khách quan hơn để có thể thực sự giúp Xyri chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Đại sứ Churkin cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra một nghị quyết phù hợp nhằm sớm chấm dứt tình trạng đổ máu và bạo lực tại Xyri.

Về phía Trung Quốc, nước này cũng nêu rõ quan điểm về việc bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết về Xyri. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông nhấn mạnh, tiến hành bỏ phiếu trong khi các bên vẫn còn nhiều bất đồng không những ảnh hưởng tới sự thống nhất và uy quyền của HĐBA, mà còn không giúp giải quyết vấn đề. Trung Quốc ủng hộ các đề xuất sửa đổi hợp lý mà Nga đã đưa ra, đồng thời cũng đã lưu ý các thành viên khác trong HĐBA về việc cần tiến hành thêm các buổi tham vấn về dự thảo nghị quyết. Ông Lý Bảo Đông nói: "Đáng tiếc là những quan ngại này đã bị phớt lờ".

Taleb Ibrahim, nhà phân tích chính trị người Xyri, nhận định hai lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc sẽ mở ra một thời kỳ cân bằng quyền lực toàn cầu mới, theo đó, "LHQ sẽ không còn là công cụ trong tay của Mỹ và các đồng minh để họ có thể thông qua các kế hoạch quân sự". Theo ông Ibrahim, hai lá phiếu phủ quyết sẽ là một tác nhân tích cực giúp khôi phục hòa bình và ổn định tại Xyri. Cùng chung quan điểm này, nhà phân tích George Gabbour cho rằng hai lá phiếu phủ quyết này là "lời mời mới đối với tất cả các phe phái ở Xyri để đưa họ bước vào một cuộc đối thoại" và "đây là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay".

Cuộc chiến ngoại giao chưa kết thúc

Tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra sau cuộc bỏ phiếu đêm 4/2 đã tỏ ý lấy làm tiếc về việc HĐBA chưa thể đưa ra được một hành động thống nhất có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gần 11 tháng qua ở Xyri để đem lại một tương lai hòa bình cho người dân nước này.

Người dân Xyri ủng hộ chính phủ vẫy cờ Nga (trái) và Trung Quốc (phải) trong một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ ở thủ đô Đamát ngày 5/2. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nêu rõ, Nga kiên quyết theo đuổi mục tiêu sớm ổn định tình hình Xyri thông qua việc nhanh chóng tiến hành các cải cách dân chủ ở quốc gia này. Nga cũng cho biết nước này thực sự tiếc về kết quả cuộc họp của HĐBA LHQ về Xyri, khi các bên đối tác đều thiếu ý chí chính trị để có thể đạt được sự đồng thuận. Theo tuyên bố, Nga và Trung Quốc buộc phải phản đối một bản dự thảo nghị quyết "thiếu cân bằng" về tình hình Xyri.

Sau cuộc bỏ phiếu bất thành, các nước phương Tây và Arập tỏ ra giận dữ khi Nga và Trung Quốc đã dùng đến lá phiếu phủ quyết.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, cho rằng đã đến lúc các bên phải cùng lên tiếng chấm dứt tình trạng đổ máu tại Xyri và mang lại hòa bình cho đất nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích Nga và Trung Quốc gay gắt, đồng thời cảnh báo nguy cơ Xyri có thể rơi vào một cuộc nội chiến sau khi HĐBA LHQ không thông qua được một nghị quyết về Xyri.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerald Longuet đã chỉ trích Nga và cho rằng nước này không thể lúc nào cũng ngăn cản được Liên hợp quốc hành động về vấn đề Xyri. Ông nói: “Nga có thể ngăn cản trong 15 ngày hay 2 tháng nhưng không thể ngăn cản mãi được”.

Tổng thư ký AL, ông Nabil Elaraby, tuyên bố sẽ không ngừng nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xyri mặc dù nghị quyết mới về Xyri đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Trong khi đó, ngày 5/2, nhiều người dân Xyri đã biểu tình thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Họ mang theo ảnh Tổng thống Assad cùng cờ của Nga và Trung Quốc đổ xuống đường phố ở thủ đô Đamát.

Hạnh Dương (Tổng hợp)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN