Theo ông Kanda, việc đồng yen biến động nhanh sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế khi mà thị trường trở nên thận trong hơn trước khả năng sẽ diễn ra một đợt mua vào đồng yen, bán ra đồng USD. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện đang theo dõi sát sao những tác động đối với tình hình lạm phát khi đồng yen giảm giá mạnh. Một số quan chức cấp cao của BOJ cho rằng ngân hàng này cần phải xem xét tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát có khả năng gia tăng.
Tuần trước, Mỹ đã đưa Nhật Bản trở lại danh sách các quốc gia cần theo dõi về động thái thao túng tiền tệ. Tuy nhiên các quan chức Nhật Bản cho rằng điều này không đồng nghĩa Washington nhận thấy chính sách ngoại hối của Tokyo có vấn đề.
Trong thời gian gần đây, giá đồng yen vẫn duy trì ở mức thấp dù BOJ đã siết lại chính sách kích thích tiền tệ, theo đó lần đầu tiên tăng lãi suất sau 17 năm vào tháng 3 vừa qua và mới đây quyết định sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu chính phủ. Theo các nhà phân tích, điều này có thể thúc đẩy việc mua vào đồng yen.
Giới chức Nhật Bản chưa đề cập các mức cụ thể định giá đồng yen, nhưng theo ông Kanda, các động thái tiền tệ cần ổn định, phản ánh nền tảng của nền kinh tế.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda không loại trừ khả năng điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 7 tùy thuộc tình hình kinh tế sắp tới, cho rằng lạm phát đã trở nên nhạy cảm hơn với các dao động ngoại hối.
Trên thực tế, Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng và nguyên liệu thô của nước ngoài, tình trạng trượt giá của đồng yen sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu các mặt hàng trên. Hiện nay, người tiêu dùng Nhật Bản đang chật vật ứng phó với việc giá cả hàng hóa tăng cao. Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch tăng cường hỗ trợ thông qua việc giảm gánh nặng thanh toán dịch vụ điện, nước, gas và trợ cấp bằng tiền mặt.