Đồng rúp Nga phục hồi khi ngân hàng trung ương vào cuộc

Đồng tiền Nga trước đó đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022

Chú thích ảnh
Đồng rúp đã phục hồi phá ngược ngưỡng 100 rúp/ 1 USD khi ngân hàng trung ương Nga vào cuộc. Ảnh: Getty Images

Đồng nội tệ đang trượt giá mạnh của Nga đã bật tăng trở lại vào vào cuối ngày 14/8 (theo giờ địa phương), phá ngược ngưỡng 100 rúp/1 USD, sau khi ngân hàng trung ương nước này công bố một cuộc họp chính sách bất thường được ấn định vào 15/8.

Theo đài RT, đồng rúp được giao dịch cao hơn 0,8%, ở mức 98,5 rúp/1 ISD, và 107 rúp/1 euro vào lúc 5h44 chiều giờ Moskva. Trước đó trong ngày, đồng rúp lần lượt chạm mức thấp nhất trong 16 tháng là 101 rúp/1 USD và 111 rúp/1 euro.

Sự phục hồi diễn ra sau thông báo của Ngân hàng Trung ương Nga rằng họ đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về lãi suất vào ngày hôm nay 15/8, cam kết sẽ đưa ra một tuyên bố sau đó.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR)- cơ quan quản lý đã lên kế hoạch quyết định mức lãi suất cơ bản tiếp theo vào ngày 15/9 - đã tăng lãi suất cơ bản thêm một điểm phần trăm lên 8,5% vào tháng trước, với lý do lạm phát gia tăng. Trước đó, lãi suất này đã không thay đổi trong một số cuộc họp liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái.

Ngân hàng Trung ương Nga ngày 14/8 đảm bảo rằng sự mất giá của đồng rúp không gây rủi ro cho sự ổn định tài chính của Nga, trong khi cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, Maksim Oreshkin, cho biết ông hy vọng đồng tiền của Nga sẽ ổn định.

Phát biểu với hãng TASS (Nga), ông Oreshkin nói rằng: “Tỷ giá hối đoái hiện tại đã chệch hướng đáng kể so với các mức cơ bản và việc bình thường hóa dự kiến sẽ diễn ra trong tương lai gần”.

Chuyên gia này thừa nhận: “Đồng ruble yếu gây phức tạp cho chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực sự của người dân. Việc có đồng ruble mạnh là lợi ích của nền kinh tế Nga”. Theo ông Oreshkin, lý do chính dẫn đến việc đồng ruble suy yếu là do chính sách nới lỏng tiền tệ.

Ngân hàng Trung ương Nga lý giải tình trạng đồng ruble giảm mạnh trong năm nay, mất gần 30% so với đồng đô la Mỹ, là do cán cân thương mại của Nga thu hẹp. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã hạ 85% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7.

Phó giám đốc CBR Alexei Zabotkin nói với các phóng viên vào cuối tuần trước rằng họ tuân thủ tỷ giá hối đoái thả nổi vì “nó cho phép nền kinh tế thích ứng hiệu quả với các điều kiện bên ngoài đang thay đổi”.

Trong khi đó, theo hãng tin AP, các nhà phân tích cho rằng sự suy yếu của đồng rúp là do tăng chi tiêu quốc phòng - dẫn đến nhập khẩu tăng - và xuất khẩu giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nhập khẩu nhiều hơn và xuất khẩu ít hơn đồng nghĩa thặng dư thương mại nhỏ hơn, thường ảnh hưởng đến đồng tiền của một quốc gia.

Bà Alexandra Prokopenko, học giả không thường trú tại Trung tâm Âu-Á Carnegie Nga và là cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga, cho biết nền kinh tế Nga hiện đang “làm việc theo các loại mệnh lệnh nhà nước khác nhau liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó có các doanh nghiệp dệt may, dược phẩm và công nghiệp thực phẩm”. Bà Prokopenko cho biết, việc xoay trục toàn bộ nền kinh tế vào tình trạng thời chiến không chỉ thúc đẩy nhập khẩu mà còn làm tăng khả năng lạm phát ngày càng tồi tệ.

Để giúp giảm bớt triển vọng đó, tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ ngừng mua ngoại tệ trên thị trường nội địa cho đến cuối năm nay để cố gắng hỗ trợ đồng rúp và giảm biến động.

Nga thường bán ngoại tệ để đối phó với bất kỳ sự thiếu hụt doanh thu nào từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên và mua ngoại tệ nếu có thặng dư. Ngân hàng trung ương nước này cũng đã quyết định mức tăng mạnh 1% đối với lãi suất cơ bản vào tháng trước, cho biết lạm phát dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng và đồng rúp giảm giá đang làm tăng thêm rủi ro. Cuộc họp chính sách tiếp theo để thảo luận về lãi suất cơ bản của Nga đã được lên kế hoạch vào ngày 15/9.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, AP)
Hàng không Nga tăng các chuyến bay đến Cuba
Hàng không Nga tăng các chuyến bay đến Cuba

Ngày 14/8, hãng hàng không Nga Rossiya thông báo sẽ tăng các chuyến bay từ Moskva đến sân bay quốc tế Juan Gualberto Gómez ở gần điểm du lịch nổi tiếng Cuba Varadero từ tháng 9 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN