“Trong bối cảnh áp lực trừng phạt đối với Nga và giá hàng hóa thế giới giảm dần theo chu kỳ, có khả năng nguồn thu từ dầu khí sẽ duy trì dưới mức cơ sở trong một thời gian dài, ngay cả trong bối cảnh đồng ruble suy yếu vừa phải”, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong dự thảo Hướng dẫn Chính sách tiền tệ Nhà nước giai đoạn 2024 - 2026.
Nếu kịch bản này thành hiện thực, việc triển khai quy tắc tài khóa như hiện tại sẽ gặp nguy hiểm và Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF) sẽ thâm hụt quá nhiều tài sản. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết thêm điều quan trọng là phải giám sát cẩn thận nguy cơ cạn kiệt tài sản lưu động của NWF khi hoạch định các chính sách ngân sách trung hạn.
Ngân hàng này đề xuất tăng thuế trong lĩnh vực dầu khí để tránh các vấn đề nêu trên và bổ sung ngân sách cho NWF.
Hồi tháng 7, Bộ Tài chính Nga trình phương án điều chỉnh các thông số thuế trong ngành xăng dầu để tăng thu ngân sách. Đặc biệt, các khoản thanh toán cho công nhân dầu mỏ sẽ giảm một nửa vào cuối năm 2026. Việc tăng MET (thuế khai thác khoáng sản) đối với dầu mỏ sẽ được gia hạn trong cùng thời kỳ.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2024, Bộ Tài chính Nga sẽ thay đổi phương pháp xác định giá xăng dầu, trên cơ sở đó tính thuế. Cách tính mới sẽ duy trì mức nộp ngân sách, ngay cả khi thu nhập của các công ty dầu mỏ giảm xuống.
Theo Bộ Tài chính Nga, doanh thu từ dầu khí của Nga đã giảm xuống còn 526,8 tỷ ruble, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Phát biểu tại cuộc họp về các vấn đề tài chính, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết chính phủ hy vọng doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt sẽ tăng lên. Ông cho biết thêm rằng các khoản thu ngoài dầu khí vào ngân sách đã tăng gần 20% trong 7 tháng đầu năm.
Từ tháng 1 đến tháng 7/2023, thâm hụt ngân sách của Nga lên tới 2,81 nghìn tỷ ruble, tương đương 1,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 2,9 nghìn tỷ ruble theo kế hoạch cho cả năm. Thu ngân sách trong giai đoạn này giảm 7,9% theo năm xuống 14,5 nghìn tỷ ruble. Đồng thời, doanh thu từ dầu khí giảm 41,4% xuống còn 4,19 nghìn tỷ ruble.