Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan ngày 26/6 nói: “Ở thời điểm này chúng ta không thể cáo buộc bất cứ quốc gia nào bởi chưa hề có bằng chứng thuyết phục”.
“Nếu những quốc gia khác có thông tin chắc chắn hơn thì tôi đảm bảo rằng cộng đồng quốc tế sẵn sàng lắng nghe. Nhưng chúng ta phải thật sự nghiêm túc và cẩn thận. Phải là những thông tin được xác minh, mang tính khoa học và đáng tin cậy mới có thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế", ông Abdullah bin Zayed Al Nahyan bổ sung.
Ngày 12/5, hai tàu chở dầu bị tấn công gần Eo biển Hormuz. UAE cùng Saudi Arabia và Na Uy – những quốc gia có tàu chở dầu bị tổn thất trong vụ việc- đã cùng phối hợp điều tra tuy nhiên chưa bao giờ lên tiếng cáo buộc Iran. Trong khi đó, Mỹ đã thẳng thừng cho rằng Iran là thủ phạm tấn công các tàu chở dầu.
Nga đã cảnh báo Mỹ không nên vội vàng đưa ra kết luận như vậy, đặc biệt ở thởi điểm Trung Đông đang rơi vào tình thế căng thẳng.
Ngoại trưởng UAE cũng từng nhấn mạnh: “Khu vực này đóng vai trò rất quan trọng với thế giới và đang gặp nhiều biến động. Chúng tôi không muốn căng thẳng leo thang. Điều chúng tôi muốn là ổn định và hợp tác”.
Sáng 13/6, hai tàu chở dầu là Kokuka Courageous (Nhật Bản) và Front Altair (Na Uy) đã bị tấn công khi trên hải trình rời Vịnh Oman. Cùng ngày 13/6, Mỹ lập tức tung một đoạn video chất lượng hình ảnh kém và khẳng định tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiếp cận Kokuka Courageous vài tiếng đồng hồ sau vụ tấn công để tháo mìn chưa phát nổ khỏi thân tàu này.
Iran đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ, trong khi đó Liên hợp quốc, Nga và Qatar đều kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công này.
Trong khi đó, chủ sở hữu Kokuka Courageous cho biết các thủy thủ đã quan sát thấy “vật thể bay” trước khi vụ tấn công xảy ra. Điều này dấy lên nghi vấn tàu chở dầu bị tấn công bởi vũ khí khác, không phải mìn buộc (một loại vũ khí hải quân) như quân đội Mỹ tuyên bố.