Vụ việc gần như đẩy Mỹ và Iran đến sát bờ vực chiến tranh chỉ trong vài giờ đồng hồ, song ở khía cạnh khác thì đây cũng là một bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự cải thiện đáng kể trong năng lực quân sự của Tehran.
“Việc bắn hạ máy bay làm rõ một điều, khi người Iran thực sự đầu tư, nó sẽ đem lại hiệu quả”, Jeremy Binnie – chuyên gia phân tích về Trung Đông và Bắc Phi của tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly – nói về hệ thống phòng không của Tehran.
RQ-4A không phải là đĩa bay dùng để làm mục tiêu bắn trên không trong các lần luyện tập thông thường. Có giá trị lên tới 110 triệu USD, một chiếc RQ-4A Global Hawk cần 3 người điều khiển. Có độ sải cánh rộng hơn một chiếc máy bay Boeing 737, RQ-4A Global Hawk sở hữu một động cơ Roll Royce đạt tốc độ 800 km/h làm nhiệm vụ thu thập tín hiệu và hình ảnh từ độ cao gần 20.000 m để tránh tên lửa đất đối không. Và ngay cả khi tiếp cận quá gần, máy bay không người lái của Mỹ cũng có khả năng gây nhiễu hệ thống radar và phát ra tín hiệu một “bẫy mồi” khác. Rõ ràng đó là một khí tài bay tối tân và rất khó khắc chế.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Binnie, kích thước của máy bay không người lái của Mỹ giờ đây đã khiến nó trở thành "một mục tiêu không phải quá khó khăn” đối với hệ thống phòng không Iran. “Nếu như chuyện này xảy ra một vài năm trước, nó còn gây ngạc nhiên, nhưng bây giờ thiết bị phòng không mới của Iran ấn tượng hơn rất nhiều”.
Mặc dù xét về lâu dài quân đội Mỹ không thể bị Iran đe dọa, nhưng trong những những trường hợp như vụ bắn máy bay không người lái vừa qua, đôi khi Tehran có thể tập trung gây ra một hiệu ứng bất ngờ và có khả năng khiến đối thủ mất cân bằng.
Bất chấp những tranh cãi liên quan đến việc RQ-4A Global Hawk có bị bắn hạ khi đang ở trong không phận Iran hay không, sự thật vẫn là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thành công phá hủy một máy bay không người lái của Mỹ vào 4h05 sáng 20/6. Trong khi quân đội Mỹ công bố đoạn video khẳng định vụ bắn máy bay xảy ra nằm trên không phận quốc tế, thì Ngoại trưởng Iran Javid Zarif đăng tweet nhấn mạnh vụ tấn công nằm trong lãnh thổ Iran, gần thành phố Kouh-e Mobarak.
Video hệ thống tên lửa Iran khai hỏa bắn máy bay Mỹ (nguồn: RT):
IRGC cho biết lực lượng đã sử dụng hê thống tên lửa đất đối không “Khordad 3”. Hình ảnh về hệ thống liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội Iran, với lời giới thiệu như một biểu tượng về sức mạnh của Iran đối phó công nghệ không người lái của Mỹ. Hệ thống Khordad 3 chính thức được đưa vào hoạt động từ 2014, có tầm bắn lên tới 75 km. Theo tạp chí Janes, rất có thể vụ tấn công được thực hiện trên một phương tiện di động, vì cách địa điểm máy bay bị bắn hạ 70 km không có cơ sở quân sự Iran nào phù hợp cho hoạt động phóng tên lửa.
Trong khi Mỹ mất 13 năm bận rộn cải tiến phi đội máy bay không người lái thì Iran cũng đã sở hữu nhiều tên lửa tiên tiến hơn hệ thống Khordad 3.
Mười ngày trước khi xảy ra vụ bắn hạ, Iran tiết lộ một phiên bản tên lửa nâng cấp có tầm phóng gần gấp đôi. Chuyên gia Binnie cho biết Iran còn mua hoặc phát triển công nghệ radar giúp các hệ thống phòng không cải thiện khả năng nhắm mục tiêu từ xa. "Chúng tôi không thực sự hiểu được cơ chế mà các hệ thống dẫn đường của Iran đang hoạt động”, ông Binnie thừa nhận.
Đây không phải là lần đầu tiên Iran tấn công một công nghệ tối tân của Mỹ. Trước đây, Iran từng tiêu diệt một máy bay không người lái tàng hình RQ-170 vào năm 2011 và được cho là đã thiết kế mô phỏng để tạo ra biến thể từ chính các mảnh vỡ.